• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việc chấm sáng kiến tại Ninh Thuận: Vì sao mãi im lặng?

Để làm rõ những “điểm mờ” mà dư luận quan tâm trong việc chấm sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8”, Báo Giáo dục và Thời đại đã nhiều lần liên lạc với Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (bằng công văn, liên lạc bằng điện thoại và trên mặt báo) để làm rõ những khúc mắc. Tuy nhiên, đổi lại chỉ là sự im lặng một cách khó hiểu của lãnh đạo Phòng GD&ĐT.

Việc chấm sáng kiến tại Ninh Thuận: Vì sao mãi im lặng?

Phản ánh trên tinh thần xây dựng

Thực tế, ngay sau khi Báo Giáo dục và Thời đại đăng bài viết “Sáng kiến kinh nghiệm viết về nội dung được tinh giản…?” và nhận sự phản hồi của độc giả, Báo đã có Công văn số 483/GDTĐ (ngày 4/8/2021) và Công văn số 556/GDTĐ (ngày 10/9/2021) cũng như 2 lần nhắc đến mong muốn được gặp và làm việc với lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trên kênh thông tin của Báo (ngày 27/8 và 2/10/2021) nhưng đều không được hồi đáp hoặc hồi đáp không đầy đủ.

Đơn cử, Báo Giáo dục và Thời đại đã nhận được Công văn số 359/PGDĐT-CV của Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, do bà Trần Thị Hường ký ngày 18/8/2021 gửi Báo Giáo dục và Thời đại chỉ cho biết: Sáng kiến với đề tài “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” là của ông Lê Văn Huyên, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Đồng thời, công văn này khẳng định nội dung sáng kiến này không nằm trong phần tinh giản và phù hợp với phân phối chương trình tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cùng một số thông tin khác. Ngoài nội dung này, Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang – Tháp Chàm không cung cấp những thông tin khác mà Báo Giáo dục và Thời đại nêu trong Công văn số 483/GDTĐ.

Để làm rõ hơn những thắc mắc của dư luận về Quy định hoặc văn bản hướng dẫn về việc thành lập Hội đồng giám khảo thi sáng kiến kinh nghiệm. Các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của các thành viên trong Hội đồng giám khảo trong việc chấm sáng kiến… (chưa được trả lời trong Công văn số 483/GDTĐ) được Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục thể hiện bằng Công văn số 1011/GDTĐ (ngày 27/12/2021) sau khi có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận. Tuy vậy, đáp lại vẫn là sự im lặng đến khó hiểu từ lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Đáng nói, ngoài các thông tin liên lạc trên, phóng viên cũng đã nhiều lần liên lạc bằng điện thoại, nhắn tin đến số điện thoại riêng của lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm mong được gặp và làm việc nhưng đều không nhận được phản hồi. 

Đôi lời cùng ngành Giáo dục Ninh Thuận

Tại Khoản 1, Điều 38, Luật Báo chí quy định: Trong phạm vi, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, trả lời phỏng vấn hoặc các hình thức khác.

Còn tại Khoản 1, Điều 39, Luật Báo chí nêu rõ: Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời các vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Như vậy, việc lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm phớt lờ những yêu cầu làm việc từ Báo Giáo dục và Thời đại là vi phạm Luật Báo chí.

Thực tế việc thiếu tinh thần hợp tác, chia sẻ từ lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trong việc tiếp nhận và cung cấp thông tin cần thiết cho báo chí (theo đúng Luật Báo chí) đã gián tiếp làm cho việc xác minh, làm rõ sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” bị kéo dài, gây phiền phức cho các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận.

Đơn cử như mới đây Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm đã có Công văn số 992-CV/TU (ngày 27/12/2021) gửi UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo ngành chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đồng thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) của Phòng GD&ĐT thành phố trong thời gian tới. Trả lời cho ông Trần Đình Tuấn biết, báo cáo kết quả giải quyết về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/1/2022 để theo dõi, chỉ đạo.

Được biết công văn trên xuất phát từ việc trước đó ngày 24/12/2021, Thường trực Thành ủy nhận được đơn đề nghị lãnh đạo xem xét, chấn chỉnh và xử lý của ông Trần Đình Tuấn (trú tại TP Phan Rang - Tháp Chàm) có nội dung: Về sai phạm trong tổ chức điều hành viết và chấm sáng kiến của ông Lê Văn Huyên - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Thực tế, ngành Giáo dục Ninh Thuận vài năm trở lại đây đã có những bước tiến rất rõ nét bằng chính tinh thần đổi mới, dám đối mặt với những trì trệ, thách thức, tiêu cực để hướng đến mục tiêu chung trong việc xây dựng nền giáo dục chất lượng và hội nhập.

Dù Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, được Trung ương hỗ trợ hàng năm, tuy nhiên, bằng nội lực của mình, nhất là tinh thần “nhìn thẳng vào những gì đang tồn tại”, Ninh Thuận đã có những chính sách đầu tư đáng kể cho phát triển sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là đầu tư cho Chương trình phát triển giáo dục phổ thông năm 2018.

Chỉ thị số 19/CT-UBND tỉnh Ninh Thuận (ngày 1/10/2021) về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới triệt để ngành Giáo dục của địa phương.

Chỉ thị 19/CT-UBND của tỉnh Ninh Thuận đặc biệt nhấn mạnh việc: Toàn ngành phải chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các cấp học, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, trong đó: Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đảm bảo chất lượng, nhất là đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022; chuẩn bị triển khai thực hiện dạy môn Tin học và Ngoại ngữ bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2022 - 2023. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các môn học và xây dựng tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 phục vụ năm học 2022 - 2023. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học…

Rõ ràng mục tiêu đổi mới triệt để ngành Giáo dục (từ phương pháp giảng dạy, chương trình) với mục tiêu chất lượng làm đầu được lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đặc biệt chú trọng. Đây không chỉ là một lợi thế, mà còn là tiền đề để các cơ sở giáo dục trên địa bàn mạnh dạn cho tiến trình đổi mới của mình.

Trở lại với những vấn đề mà Báo Giáo dục và Thời đại đang góp ý cùng ngành Giáo dục thành phố Phan Rang - Tháp Chàm qua loạt bài về chấm sáng kiến kinh nghiệm, mục tiêu cuối cùng của Báo là muốn góp một tiếng nói cho công cuộc đổi mới của giáo dục tỉnh Ninh Thuận, và không gì ngoài mục tiêu này.

Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan ngôn luận của Bộ GD&ĐT, diễn đàn giáo dục của toàn dân. Tôn chỉ và mục tiêu duy nhất của Báo là xây dựng, góp ý, chỉ ra những thiếu sót, bất cập còn hiện diện đâu đó trong các cơ sở giáo dục với một mong muốn duy nhất; thay đổi nhận thức, kích thích tinh thần quyết liệt đổi mới của giáo viên, cán bộ quản lý các trường, giáo dục địa phương để giáo dục các địa phương ngày càng tốt hơn.

Là cơ quan báo chí, nếu sai, Báo sẵn sàng xin lỗi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn những góp ý, đóng góp của mình được cơ sở giáo dục, địa phương (đơn cử ở đây là Phòng GD&ĐT Phan Rang - Tháp Chàm) dám dũng cảm nhìn vào sự thật vì sự phát triển của giáo dục địa phương, chứ đừng vì lợi ích của một cá nhân mà làm hỏng đi những ấp ủ, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh nhà.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật