• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục STEM khơi nguồn đam mê sáng tạo

Tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh giáo dục STEM để thầy và trò các trường có thêm cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ, khơi dậy đam mê nghiên cứu.

Cô và trò trường Tiểu học La Bằng, huyện Đại Từ cùng các sản phẩm do chính học sinh tự sáng tạo.
Cô và trò trường Tiểu học La Bằng, huyện Đại Từ cùng các sản phẩm do chính học sinh tự sáng tạo.
 

Rèn khả năng sáng tạo

Mô hình giáo dục STEM trong trường học bao gồm dạy học các môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức các hoạt động trải nghiệm và các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Giáo dục STEM giúp các em học sinh hình thành và phát triển 4 kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, việc triển khai phương pháp giáo dục STEM là hướng đi cần thiết và phù hợp.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chương trình giáo dục STEM, ngành giáo dục Thái Nguyên đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện theo định hướng của Bộ GD&ĐT, thực hiện dạy học tích hợp liên môn. Đồng thời, Thái Nguyên còn chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về các hoạt động giáo dục STEM trong trường học… góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện của các nhà trường.

Trường Tiểu học La Bằng, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên được lựa chọn là địa điểm tổ chức “Ngày hội STEM - Ngày hội học sinh” cấp Tiểu học năm học 2024-2025.

img-0998.jpg

Các em học sinh thuyết trình về các sản phẩm bằng ngôn ngữ Tiếng Anh.

Ngày hội là sân chơi bổ ích của giáo viên và các em học sinh với nhiều hoạt động như: Giao lưu về các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trưng bày những sản phẩm mà các em làm ra qua các tiết học STEM, thuyết trình các sản phẩm bằng ngôn ngữ Tiếng Anh.

Em Hứa Quang Minh, học sinh lớp 3B trường Tiểu học La Bằng, huyện Đại Từ chia sẻ: Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, chúng em được trực tiếp làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, có tính ứng dụng cao trong học tập và đời sống. Em đã cùng các bạn chế tạo các sản phẩm như cân thăng bằng, cây gia đình, máy chiếu phim, bảng nhân chia tiện ích, đồng hồ la mã, cẩm nang sử dụng máy thu hình, cuốn sổ lật về cây.

“Thông qua các tiết học STEM chúng em được thực hành, thiết kế sản phẩm, chúng em còn được rèn luyện tư duy phản biện, khả năng phân tích, sáng tạo, hiểu hơn về ngành nghề kỹ thuật, chế tạo để chọn ngành, chọn trường trong tương lai”. Quang Minh cho biết thêm.

Bà Hồ Thị Anh Đào - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học La Bằng chia sẻ: Việc vận dụng mô hình giáo dục STEM ở các trường tiểu học là một trong những định hướng dạy học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 - phát triển năng lực người học.

Mỗi giáo viên cần vận dụng quy trình tổ chức dạy học chủ đề, bài học STEM một cách linh hoạt tùy thuộc vào nội dung kiến thức bài học và điều kiện cơ sở vật chất của từng trường. Qua đó, tạo môi trường học tập lý thú, kích thích khả năng sáng tạo của học sinh...

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Bà Vũ Thị Bích Hường – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua Phòng đã triển khai tới cán bộ giáo viên học tập nội dung tập huấn từ cấp tỉnh, tham gia trao đổi học hỏi kinh nghiệm các mô hình từ tỉnh bạn, mời giảng viên của trường Đại học Sư Phạm, chuyên gia của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về các hoạt động giáo dục STEM trong trường học.

img-1006.jpg

Em Hứa Quang Minh, học sinh lớp 3B trường Tiểu học La Bằng, huyện Đại Từ giới thiệu về sản phẩm cây gia đình.

Trong năm học này, Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với các nhà trường tổ chức “Ngày hội STEM - Ngày hội học sinh” cấp Tiểu học năm học 2024-2025.

“Ngày hội thu hút sự tham gia của của 33/33 trường chia làm 3 cụm giao lưu đơn vị. Chương trình góp phần hỗ trợ hoạt động dạy học và giáo dục ở các trường tiểu học, tạo sân chơi bổ ích để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo, các em học sinh được giao lưu và trưng bày những sản phẩm mà các em làm ra qua các tiết học STEM trong năm học 2024-2025” - bà Vũ Thị Bích Hường cho hay.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, 100% các cơ sở giáo dục tiểu học đã triển khai thực hiện giáo dục STEM dưới dạng chủ đề, giúp học sinh làm quen, thực hiện những sản phẩm từ kiến thức đã học để ứng dụng vào thực tế. Trong năm học 2023-2024 đã có khoảng 6380 tiết học STEM được thực hiện với hơn 12.700 sản phẩm tạo ra qua các tiết học.

Các trường học đã chủ động thực hiện theo định hướng phù hợp điều kiện thực tế địa phương, khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục; cùng đó, đa dạng hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động trải nghiệm thông qua câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật; không gian trải nghiệm, góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên nhà trường. Các hoạt động nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức câu lạc bộ STEM - Robotics…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết