Trẻ em Uganda thất học vì nghèo đói
Báo cáo cho biết, học phí là nguồn lo lắng tài chính lớn nhất đối với 40% người dân Uganda.
Tỷ lệ trẻ Uganda đi học ngày càng thấp. Ảnh: Development Diaries |
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng thất học do nghèo đói phải được giải quyết ngay lập tức để đảm bảo tương lai không chỉ cho người dân mà còn cho cả đất nước Uganda.
Gánh nặng lớn về tài chính
Ngày Shalom Mirembe bị đuổi khỏi trường vì chưa đóng học phí, cha em đang hấp hối trong bệnh viện. Ngay cả khi bà Justine Nangero - mẹ Mirembe đang phải chăm sóc chồng bên giường bệnh, nhân viên nhà trường cũng gọi điện yêu cầu đóng học phí. Đối với bà Justine Nangero - một nhân viên bán giày có 4 người con - đó là khoảnh khắc vô cùng đau lòng trong cuộc “đấu tranh” để tồn tại mỗi ngày.
Bà thường gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải học phí cho các con. Những yêu cầu thanh toán liên tục từ phía nhà trường khiến bà cảm thấy bất lực. Mặc dù đã châm chước, nhưng phía nhà trường cũng cảm thấy bất lực trước những lời cầu xin của gia đình Mirembe.
“Bạn phải chăm sóc đứa trẻ này, bạn phải chăm sóc đứa kia. Tôi cố gắng đấu tranh để đảm bảo rằng, mình đóng đủ học phí cho tất cả các con”, bà Justine Nangero nói. Nữ phụ huynh này cho biết luôn cố gắng hết sức để giữ cho Mirembe và những đứa con khác tiếp tục được tới trường.
Học phí đang là vấn đề đau đầu đối với nhiều phụ huynh trên khắp vùng cận Sahara châu Phi, nơi mà vài trăm USD có thể quyết định tương lai của một đứa trẻ. Các thống kê cho thấy, khu vực này từ lâu đã có tỷ lệ bỏ học cao nhất thế giới.
Lý do thì khác nhau, nhưng nguyên nhân chính vẫn là gánh nặng lớn về tài chính. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới cho biết, 54% người lớn ở khu vực cận Sahara châu Phi cho rằng, đóng học phí là gánh nặng lớn hơn hóa đơn y tế và các chi phí khác.
Báo cáo cho biết, học phí là nguồn lo lắng tài chính lớn nhất đối với 40% người dân Uganda - nơi các trường học do chính phủ tài trợ hàng đầu hiện thu gần 700 USD học phí cho mỗi kỳ học ba tháng. Đây là một khoản chi phí đáng kể ở quốc gia Đông Phi này, nơi GDP bình quân đầu người hằng năm là 864 USD vào năm 2023.
Hơn bất cứ điều gì, chính việc tăng học phí không thể đoán trước - đôi khi vì những lý do khác nhau - đã ám ảnh các phụ huynh trên khắp đất nước có hơn 45 triệu người này. Một số nhà phê bình, bao gồm cả Chủ tịch Quốc hội Uganda, đã kêu gọi ban hành quy định để bảo vệ phụ huynh khỏi tình trạng chịu thiệt thòi trước tình trạng tăng học phí.
Ủy ban Cơ hội Bình đẳng, một cơ quan chính phủ theo dõi bất bình đẳng và phân biệt đối xử, đã công bố báo cáo vào tháng 9/2024. Báo cáo kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với những trường học do chính phủ hỗ trợ đang thu học phí quá cao. Báo cáo cảnh báo rằng, việc tăng học phí tùy tiện có thể buộc trẻ em phải bỏ học.
Những khoản thu “không tên”
Theo số liệu mới từ Cục Thống kê Uganda, tỷ lệ trẻ đi học giảm từ 68% ở bậc tiểu học xuống còn 22% ở bậc trung học. Trong đó, khó khăn về tài chính là lý do chính khiến trẻ em không thể tiếp tục học tập.
Uganda có một chương trình giáo dục phổ cập trung học, được đưa ra vào năm 2007 và tương tự như chương trình giáo dục tiểu học. Song, những ngôi trường như vậy thường xuống cấp và thường miễn học phí. Tuy nhiên, đôi khi phụ huynh phải trả các khoản phí lớn cho đồng phục, sách giáo khoa và những khoản thu khác.
Khi nói đến các trường tư thục phổ biến và đắt đỏ hơn, ông Dennis Mugimba - người phát ngôn của Bộ Giáo dục Uganda cho biết, chính phủ không quan tâm đến việc can thiệp về giá. Việc ấn định học phí cho các trường tư thục “hoàn toàn mang tính hành chính và được điều chỉnh theo môi trường kinh doanh”. Tuy nhiên, ông Mugimba cho biết, một số khoản phí nhất định như “phát triển vốn” không phải là trách nhiệm của phụ huynh.
Các trường tư thục như vậy đã “mọc lên như nấm” trên khắp Uganda. Những tổ chức giáo dục này hiện chiếm phần lớn các trường học của đất nước, giải quyết nhu cầu ngày càng tăng, nhưng cũng nhấn mạnh đến lợi nhuận của giáo dục như một doanh nghiệp. Điều đó khiến một số chuyên gia lo ngại.
“Chúng ta không thể để giáo dục bị đối xử như một gian hàng trên thị trường”, ông Fagil Mandy - cựu thanh tra trường học cho biết và nhấn mạnh rằng, các cơ quan giáo dục nên chuẩn hóa quy định để học phí là mức có thể dự đoán được trên toàn thế giới.
Chi phí học tập thường xuyên, đối với cả trường tư thục và một số trường do chính phủ tài trợ, có thể bao gồm mọi thứ, từ đóng góp để mua xe buýt, thiết bị phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, khi danh sách các khoản phí thu từ học sinh bao gồm một tập giấy photocopy hoặc một bao xi măng, câu hỏi nhiều phụ huynh đặt ra là: Số tiền đó sẽ đi về đâu? Ngôi trường mà Mirembe theo học nằm ngoài thủ đô Kampala.
Trường thu học phí tương đương 300 USD cho mỗi kỳ. Các viên chức của trường mong đợi, 70% học phí sẽ được thanh toán vào đầu kỳ, nhưng nhiều phụ huynh không đáp ứng được yêu cầu đó.
Một số người, như bà Nangero, cho con em mình đến trường mà không phải trả bất kỳ khoản tiền nào. Thay vào đó, họ trông chờ vào sự thương xót của các lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên các biện pháp theo dõi thanh toán cho biết số tiền và thời điểm nợ.
Trong đó, những khoản này được thông báo ở thẻ ra vào cổng của người học. Joanita Seguya - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Wampewo Ntakke cho biết, vì lý do đó, những học sinh chưa đóng học phí có thể bị từ chối nhập học.
Trong ngôi trường có hơn 2.100 học sinh, khoảng 400 em đến từ các gia đình lao động thường xuyên gặp khó khăn trong việc trang trải học phí. Phó Hiệu trưởng Seguya cho biết, hệ thống này khá khắc nghiệt.
Do đó, để hỗ trợ một số phụ huynh, trường chấp nhận các khoản thanh toán bằng hiện vật như rau và trái cây. Tuy nhiên, với bà Nangero - người mà tất cả thành viên trong gia đình sống chung ở một phòng, không có hiện vật gì để cung cấp cho nhà trường.
Công việc kinh doanh giày dép của bà ngày càng đi xuống. Cái chết của chồng bà, người từng làm nghề mộc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, càng hằn sâu thêm nỗi đau trong gia đình.
Nữ phụ huynh này cho biết, sự lo lắng về học phí gây tổn hại nhiều hơn cho các con mình. Tất cả 4 đứa trẻ phải ở nhà nhiều ngày bất cứ khi nào nhà trường mất kiên nhẫn. Bà Nangero biết ơn vì hai đứa con trai đang học trung học hiện được một giáo sĩ hỗ trợ. Đây được xem là sự hỗ trợ hiếm hoi có được thông qua mối quan hệ tôn giáo của gia đình.
Bà Nangero chia sẻ, Mirembe (20 tuổi), người đang thi cuối kỳ năm nay, đã có thể bắt đầu học kỳ vào tháng 9 nhờ sự thông cảm của thủ quỹ. Tuy nhiên, sau đó, nhà trường không chấp nhận tình trạng này.
Sau khi bị nhà trường yêu cầu dừng việc học, Mirembe đã về nhà ngay trước khi cha cô qua đời. Vincent Odoi, một giáo viên tại trường của Mirembe, cho rằng, sự việc thật đáng tiếc. Giáo viên này chia sẻ, ban quản lý không biết về những khó khăn của gia đình học sinh. Mirembe được phép trở về nhà vài ngày sau lễ tang của cha cô. Một số giáo viên của Mirembe đã tới chia buồn cùng gia đình.
Tại Uganda, có hàng loạt gia đình khác không may mắn, khi trẻ em phải dừng việc học do không đóng học phí. Một gia đình gần nhà Mirembe có 7 người con bỏ học trong những năm gần đây vì không có tiền đóng học phí.
Người cha thất nghiệp của họ, Moses Serikomawa, mô tả cuộc chạy đua vô ích để kiếm học phí là “giống như một căn bệnh ung thư. Không thể chữa khỏi được”.
Ông Moses Serikomawa cho biết, việc đóng hơn 200 USD tiền học phí mỗi kỳ là quá nhiều rắc rối, khi gia đình đôi khi vẫn còn thiếu thức ăn. Đứa con lớn nhất của ông, hiện ở tuổi trung học, đã bỏ học sau khi hoàn thành chương trình cuối cấp vào năm ngoái.
Hiện, cậu bé không có việc làm. “Các con tôi vẫn muốn quay lại trường học. Khi nhìn chúng không được đi học, tôi không thấy vui, không thấy vui chút nào”, ông Serikomawa chia sẻ.
Tình trạng đói nghèo, sự thiếu quan tâm của cha mẹ, chi phí giáo dục, mang thai ở tuổi vị thành niên, tảo hôn, không có khả năng đối phó với áp lực học tập, tiếp xúc sớm với tình dục và lao động trẻ em được cho là những yếu tố thúc đẩy tình trạng bỏ học ở Uganda.
Cán bộ giáo dục cấp cao của quận Oyam, ông David Adea cho biết: Trẻ em luôn đến trường rất sớm vào buổi sáng. Ở trường, không có bữa sáng và bữa trưa nhưng sau đó, trẻ trở về nhà lúc 6 giờ tối. Vì vậy, trong suốt thời gian dài này, trẻ ở đó mà không có gì để ăn. Do vậy, việc cung cấp bữa ăn cho học sinh sẽ góp phần giải quyết tình trạng tỷ lệ bỏ học cao.