Đà Nẵng khẳng định vị thế trung tâm trên bản đồ du lịch mới của Việt Nam
Thành phố đặt mục tiêu đón gần 12 triệu du khách, doanh thu 36.000 tỉ đồng trong năm 2025 khi tổ chức hàng loạt các hoạt động trải nghiệm độc đáo.
TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đón gần 12 triệu du khách, doanh thu 36.000 tỉ đồng trong năm 2025 khi tổ chức hàng loạt các hoạt động trải nghiệm độc đáo. Ảnh: Nguyễn Linh
Các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tầm cỡ cùng một hệ sinh thái nghỉ dưỡng tiềm năng bên bờ biển sau sáp nhập đang giúp Đà Nẵng ngày càng khẳng định vị thế, thu hút khách du lịch toàn cầu khi đã liên kết, hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới.
Năm 2024, Đà Nẵng đã đón 4,1 triệu lượt khách quốc tế đến với thành phố bên sông Hàn. 5 tháng đầu năm 2025, con số khách quốc tế đã đạt 2,2 triệu lượt. Mạng lưới đường bay quốc tế cũng liên tục được mở rộng.
Đáng chú ý, chỉ riêng mùa hè năm 2025, một loạt các sự kiện đã được tổ chức như cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, Lễ hội Golf và giải golf châu Á, các show diễn đẳng cấp tại Bà Nà Hills hay Danang Downtown...
Đặc biệt, Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2025) được đầu tư quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã trở thành "thỏi nam châm" hút du khách đến với Đà Nẵng.
Trong khoảng 1 tháng diễn ra DIFF 2025 (từ 31.5 - 30.6.2025), các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đã phục vụ khoảng 1,17 triệu lượt khách, tăng gần 10,3% so với cùng kỳ năm 2024, công suất phòng chung toàn thành phố đạt 90-95%, các khách sạn 4-5 sao hầu như đạt công suất gần 100%.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm tới, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục giữ vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của thành phố.
Định hướng của thành phố cho DIFF trong 5 năm tới sẽ gắn với phát triển Khu thương mại tự do và bước vào kỷ nguyên mới.
Theo bà Thi, trong tương lai, DIFF sẽ không còn giới hạn tại khu vực sông Hàn mà sẽ nghiên cứu, mở rộng ra các không gian khác phù hợp, nhằm tận dụng địa hình đa dạng của thành phố.

Hiện nay, Đà Nẵng là thành phố lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ riêng về du lịch, Đà Nẵng đang sở hữu nhiều địa danh và sản phẩm du lịch nổi tiếng như khu du lịch Bà Nà Hills, bãi biển Mỹ Khê, di sản thế giới Hội An, di sản thế giới Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm…
Theo phân tích của The Outbox Company - Công ty phân tích dữ liệu cho ngành du lịch, lữ hành châu Á, lượng khách lưu trú quốc tế tại TP Đà Nẵng sau sáp nhập có thể đạt tới 6,1 triệu lượt khách lưu trú mỗi năm, vượt TP Hồ Chí Minh - nơi đón khoảng 6 triệu khách quốc tế vào năm 2024.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á mới đây đưa ra cảnh báo về nguy cơ thương hiệu riêng của từng địa phương có thể bị mờ nhạt sau quá trình hợp nhất.
Theo chuyên gia du lịch này, để định vị thương hiệu, Đà Nẵng cần xác định rõ các giá trị cốt lõi. Từ đó xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới có chiều sâu và khả năng bao phủ vùng nhưng vẫn gắn kết với hình ảnh Đà Nẵng hiện đại đã được định vị trước đó.