• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiếu cơ sở vật chất, giáo viên Tin học quá tải

Từ năm học 2022-2023, theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với môn tiếng Anh, Tin học chính thức trở thành môn học bắt buộc của học sinh lớp 3. Thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy là những khó khăn đang hiện hữu tại các địa phương, nhà trường để triển khai chương trình khi năm học mới đã cận kề…

Giáo viên Tin học quá tải

Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc từ năm học 2022-2023 đang khiến nhiều trường học gặp khó. Tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất không chỉ xảy ra đối với những trường ở ngoại thành mà nhiều trường học ngay trung tâm nội đô cũng cùng chung cảnh ngộ.

Thầy Đỗ Quang Long - giáo viên Tin học trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nếu theo chương trình mới, mỗi tuần một lớp sẽ có 2 tiết Tin học ở các khối 3,4,5. Như vậy, cả 3 khối là 39 lớp với 2 tiết thì mỗi tuần có 78 tiết Tin. Trường có 2 giáo viên Tin học biên chế, 1 giáo viên hợp đồng nên mỗi giáo viên sẽ phải dạy gần 30 tiết/tuần. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi giáo viên không dạy quá 23 tiết/tuần.

Thiếu cơ sở vật chất, giáo viên Tin học quá tải
Học sinh tiểu học Hà Nội trong giờ học Tin học

Giáo viên Tin học quá tải cũng là tình trạng chung diễn ra ở nhiều trường tiểu học khác. Theo lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông chia sẻ, trường chỉ có 1 giáo viên Tin học nên việc sắp xếp thời khóa biểu đối với môn Tin học ở cả 3 khối lớp rất khó khăn.

Thiếu giáo viên là thế nhưng việc tuyển dụng không hề dễ dàng vì giáo viên Tin học phải đáp ứng được cả yêu cầu về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm. Trong khi đó, hiện nay ở trường Đại học Thủ đô không đào tạo chuyên ngành Công nghệ thông tin hay sư phạm Tin. Những sinh viên khi học Công nghệ thông tin ở các trường khác ra phải có chứng chỉ sư phạm mới đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, số sinh viên này không chọn nghề giáo bởi mức thu nhập quá thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Trong khi đó, chia sẻ về khó khăn khi chuẩn bị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với môn Tin học lớp 3, ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết: “Cũng như các huyện ngoại thành khác, khó khăn lớn nhất của Mê Linh là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Hiện nay, hầu hết các nhà trường đều thiếu máy tính. Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT huyện cũng đã có tham mưu, đề xuất trình lên HĐND và UBND huyện về việc mua sắm trang thiết bị học tập cho lớp 3 và lớp 7".

Linh hoạt các biện pháp

Để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học cho học sinh lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học từ năm học 2022-2023 hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương cho phép điều động, biệt phái giáo viên dạy liên trường, liên cấp từ năm học tới.

Kịp thời triển khai chủ trương này, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết: "Trong khi chưa tuyển được giáo viên dạy Tin học, ngay trong năm học này, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các nhà trường tận dụng nền tảng có sẵn. Cho phép kí kết hợp đồng với giáo viên, tăng cường chia sẻ giáo viên giữa các trường. Các giáo viên dạy Tin học ở các trường có ít học sinh, ít tiết hơn có thể đến các trường còn thiếu để dạy”.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phương án kịp thời đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các Sở GD&ĐT hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình môn Tiếng Anh, môn Tin học từ năm học 2022-2023, bảo đảm 100% học sinh trên địa bàn được học hai môn này theo đúng quy định Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với cơ sở giáo dục, thực hiện chương trình tiểu học, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học linh hoạt phù hợp điều kiện cụ thể tại cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên, cần xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường…

Ngoài ra, các Sở GDĐT tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học; Đồng thời, bảo đảm giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng sách giáo khoa trước khi được phân công giảng dạy.

Năm học 2022-2023, theo lộ trình đổi mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 3 sẽ gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc sau: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm.

Thời lượng các môn học như sau: Tiếng Việt là 245 tiết/năm, trung bình 7 tiết mỗi tuần; Toán 175 tiết, mỗi tuần 5 tiết. So với chương trình hiện hành, thời lượng Toán không thay đổi, còn Tiếng Việt giảm một tiết/tuần.

Ngoài ra, chương trình mới quy định thời lượng học ngoại ngữ là 4 tiết trong tuần, cả năm 140 tiết. Các em cũng được học thêm Tin học và Công nghệ (70 tiết/năm).

Tổng số tiết mỗi tuần của chương trình lớp 3 mới là 28, nhiều hơn 5 tiết so với chương trình hiện tại. Các trường Tiểu học tổ chức dạy hai buổi trên ngày, với không quá 7 tiết/ngày, mỗi tiết kéo dài 35 phút.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật