Sau những tấm huy chương
Bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên.
Do đó, các địa phương luôn xác định đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục. Dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, có một số thay đổi về kế hoạch, nhưng lãnh đạo ngành Giáo dục và các nhà trường luôn chỉ đạo quyết liệt, khoa học, hiệu quả công tác này: Từ xây dựng đội ngũ nhà giáo, đến tạo nguồn HSG, lựa chọn học sinh, bồi dưỡng đội tuyển… Kiểm tra, đánh giá công tác bồi dưỡng HSG cũng được làm thường xuyên.
Tạo nên chất lượng đội tuyển, tất nhiên yếu tố vô cùng quan trọng là phát hiện, tuyển lựa được học sinh xuất sắc; nhưng quan trọng không kém còn là công tác bồi dưỡng, chủ chốt là đội ngũ dạy đội tuyển. Bồi dưỡng HSG là công việc có tính đặc thù, người dạy bên cạnh chuyên môn giỏi còn đòi hỏi cả đam mê, nhiệt huyết, biết khơi dậy niềm đam mê, sức sáng tạo và biết truyền cảm hứng cho học trò. Người thầy bồi dưỡng HSG không chỉ truyền thụ tri thức đơn thuần mà còn đóng vai trò như huấn luyện viên, phải nắm vững đối tượng học sinh của mình về nhiều mặt để có chiến lược bồi dưỡng đạt hiệu quả cao.
Với tính chất đặc thù như vây, việc tuyển chọn giáo viên để tham gia bồi dưỡng HSG nói chung và bồi dưỡng HSG quốc gia, quốc tế luôn rất khắt khe. Đơn cử như tại Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), đội ngũ giáo viên được chọn cần tiêu chuẩn cao hơn hẳn so với các trường khác, được UBND tỉnh ủy quyền cho sở GD&ĐT thẩm định.
Những giáo viên này khi được tuyển dụng về trường Lam Sơn phải được các tổ chuyên môn tiếp tục bồi dưỡng, hướng dẫn trước khi chính thức trực tiếp dạy lớp chuyên. Đối với các trường THPT khác, công tác bồi dưỡng HSG cũng luôn được quan tâm và thường giao cho giáo viên có năng lực chuyên môn tốt. Việc được giao bồi dưỡng HSG của trường cũng là động lực thúc đẩy giáo viên tự học, bồi dưỡng để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Để tạo điều kiện cho thầy cô có cơ hội thể hiện bản thân, có động lực phấn đấu nâng cao trình đội chuyên môn, nghiệp vụ, hằng năm địa phương đều có kế hoạch tổ chức các hoạt động chuyên môn: Tổ chức thi chọn giáo viên giỏi, thi chọn HSG; tổ chức thi khoa học - kỹ thuật; viết sáng kiến kinh nghiệm; tổ chức tập huấn các chuyên đề nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên đi học tập nâng cao trình độ; tổ chức cuộc giao lưu, học tập kinh nghiệm với địa phương khác…
Giáo viên dạy đội tuyển chính là người thầm lặng đứng sau những tấm huy chương. Do đó, không chỉ chú trọng bồi dưỡng cho trò, mà việc đầu tư, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên dạy đội tuyển tại cơ sở cũng cần được quan tâm hơn nữa. Bên cạnh đó, để tiếp thêm động lực, ghi nhận thành quả mà giáo viên và học sinh đạt được sau mỗi kỳ thi, việc vinh danh, khen thưởng đã được chú trọng, nhưng vẫn cần được quan tâm hơn. Cùng với đó là làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để thúc đẩy phong trào, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như đội tuyển HSG.