Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học: Có thực mới vực được đạo
Lâu nay, tài chính cho giáo dục đại học được cho là “khiêm tốn” kéo theo nhiều vấn đề chất lượng chưa đạt như kỳ vọng.
Một lớp học chương trình liên kết nước ngoài tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC |
Cần có sự thay đổi về nguồn lực đầu tư cho khu vực đại học trong bối cảnh tự chủ và trở thành trường/ngành trọng điểm quốc gia.
Đầu tư có trọng điểm
PGS.TS Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nêu quan điểm: “Những cơ sở giáo dục nằm trong chiến lược, danh sách trường đại học trọng điểm quốc gia phải xác định lại các ngành đào tạo trọng điểm. Khi xác định được điều này, Nhà nước sẽ tập trung nguồn đầu tư để trở thành những ngành mạnh, xứng tầm của đại học quốc gia (ĐHQG) chứ không xác định theo xu hướng các trường mong muốn trở thành ĐHQG hay đại học vùng”.
Sự tập trung đầu tư này từ Nhà nước giúp các trường đại học trọng điểm quốc gia có nguồn lực đủ mạnh để xây dựng ngành mũi nhọn đạt tiêu chí chất lượng tương đương các ngành thuộc trường sư phạm tiên tiến trên thế giới. Ngoài tài chính, còn đầu tư về chính sách với những cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành mũi nhọn, trọng điểm. Chẳng hạn được hỗ trợ trong trao đổi, hợp tác quốc tế, tiếp nhận học bổng Chính phủ cho sinh viên, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Theo đề xuất của Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, với các trường đại học đào tạo đa ngành, lĩnh vực, Nhà nước chỉ đầu tư vào ngành trọng điểm; ngành còn lại sẽ thực hiện xã hội hóa để người học cùng san sẻ.
PGS.TS Võ Văn Minh viện dẫn, ngay cả ĐHQG và các trường trọng điểm quốc gia thì Nhà nước chỉ nên đầu tư nguồn lực cho những lĩnh vực, ngành trọng điểm mà các trường ngoài công lập không chú trọng đào tạo. Với ngành học có tính đặc thù như sư phạm, khoa học cơ bản…, Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ và cấp kinh phí cho các trường. Nguồn tài chính cho đào tạo các ngành học phục vụ thị trường lao động sẽ xã hội hóa dưới hình thức thu học phí từ người học và nguồn thu khác.
PGS.TS Lê Khánh Tuấn - Trường ĐH Sài Gòn cho rằng, hiện mức thu học phí đại học tại Việt Nam rất thấp. Phần thu thực tế không đủ bù đắp chi phí, còn tiền từ ngân sách Nhà nước chỉ những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính mới có. Trong khi đó, các khoản thu từ dịch vụ đào tạo nhà trường chỉ đáp ứng khoảng 3% tổng chi phí.
Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Khi chuyển sang hoạt động tự chủ, trường không được cấp ngân sách Nhà nước và việc điều chỉnh khung học phí chỉ thực hiện cho những khóa tuyển sinh từ năm 2017 về sau. Điều này đặt ra bài toán tài chính phải cân đối thu chi trong giai đoạn đầu sau tự chủ, đảm bảo tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo cho những khóa tuyển sinh trước năm 2017 với mức chi giảng viên, sinh viên bằng các khóa tuyển sinh sau tự chủ”.
Trước bất cập trên, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh cho rằng: Các trường tự chủ vẫn cần Nhà nước đầu tư nền tảng cơ sở hạ tầng, đặc biệt với các ngành có xu thế điều chỉnh nhanh chóng, chẳng hạn như: Công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu,… Bởi “tự chủ đại học” không đồng nghĩa với các trường “tự lo”.
Giai đoạn sau tự chủ của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng gắn liền với biến cố nghiêm trọng - đại dịch Covid-19 “Thực hiện tự chủ, hoạt động của trường bị ảnh hưởng nhiều hơn so với trường chưa tự chủ. Suốt thời gian đó nhà trường không tăng học phí mà còn giảm 5 - 10% hỗ trợ sinh viên. Chúng tôi sử dụng các nguồn dự phòng và tiết giảm thu chi. Để làm được điều này thì cán bộ, viên chức không được tăng lương như dự kiến giai đoạn này”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh chia sẻ.
Đây là thách thức lớn đối với cơ sở giáo dục đại học, nhất là trường đang thực hiện tự chủ khi đồng thời phải đảm bảo, nâng cao chất lượng với những khoản chi không ngừng gia tăng về đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, cải thiện đời sống giảng viên, đầu tư công nghệ và trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất.
Đoàn đánh giá theo tiêu chuẩn Châu Âu HCERES khảo sát điều kiện cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trong đợt kiểm định tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC |
Tính đúng, đủ chi phí đào tạo vào học phí
Tại Hội thảo về nguồn lực đầu tư cho khu vực đại học trong bối cảnh tự chủ tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ tháng 5/2023, PGS.TS Lê Khánh Tuấn đưa ra một số kiến nghị về chính sách tài chính để phát triển giáo dục đại học như: Tính đủ chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên/năm học và xem đây là giá dịch vụ phải đảm bảo để trường đại học hoạt động bình thường.
Thực hiện nghĩa vụ nộp trả chi phí đào tạo như Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách các trường đại học theo số người học. Đối với sinh viên thì thay đổi cơ chế học phí để hướng tới bù đắp chi phí đào tạo, vừa giải quyết chính sách xã hội của Nhà nước.
Sau khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, phần chi phí đào tạo còn lại người học phải nộp thông qua học phí. Không phải tất cả người học có khả năng đóng góp theo mức quy định. Vì vậy, Chính phủ thực hiện miễn giảm, hỗ trợ chi phí cho những đối tượng khó khăn để họ có thể đóng góp theo mức chung.
Cụ thể hơn, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh phân tích: “Hiện với các trường tự chủ, Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho sinh viên thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, mức cấp này theo quy định chung và thấp hơn nhiều so với mức học phí các trường xây dựng. Khoản chênh lệch này, Nhà nước cho phép thu từ sinh viên, thế nhưng, gần như các trường không thu mà sẽ tự bù vào để trách nhiệm xã hội được thực hiện một cách trọn vẹn”.
Vì vậy, theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, khi không còn cấp tiền trả lương giảng viên, Nhà nước thay đổi hình thức đầu tư đối với các trường tự chủ bằng cách cấp học bổng cho sinh viên thuộc diện chính sách, gia đình khó khăn với mức hỗ trợ cao hơn; hoặc Nhà nước tiếp tục đầu tư tăng nguồn cho nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng bày tỏ sự băn khoăn việc sắp tới, Nhà nước cấp ngân sách cho các trường đại học theo đặt hàng, giao nhiệm vụ và ông đề xuất: Cách làm hay nhưng bước tiếp theo khi triển khai cần nghĩ đến những tình huống nảy sinh trong thực tế.
Như Nghị định 116 năm 2020 đang có nhiều vướng mắc dù mục tiêu hay. Có thể Nhà nước khoán ngân sách cho các trường để có thêm động lực. Nếu ngân sách vẫn bù cho các trường đại học theo dạng cào bằng, thu ít thì được bù nhiều sẽ làm chậm hơn tiến trình tự chủ đại học.