• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ An thí điểm triển khai mô hình trường mầm non, phổ thông tiên tiến

Việc xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế đáp ứng nhu cầu giáo dục trẻ, học sinh; giúp người học tiếp cận với giáo dục tiên tiến các nước nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc.

Ngày 16/2, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030.

Trước đó, ngày 18/1, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết phê duyệt việc triển khai đề án. Theo kế hoạch, từ năm 2022 đến 2025, Nghệ An thí  điểm xây dựng 2 trường mầm non, 2 trường Tiểu học, 2 trường THCS và 1 trường THPT trên địa bàn thành phố Vinh là trường tiên tiến.

Đại biểu dự Hội nghị triển khai đề án xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến.

Mục tiêu của mô hình là xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhu cầu học tập của học sinh. Giúp người học tiếp cận với giáo dục tiên tiến ở các nước trong khu vực và quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo giữ bản sắc dân tộc.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An mô hình trường học tiên tiến góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hình thành một số cơ sở giáo dục trở thành nhân tố tiên phong, nòng cốt để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt là trong đổi mới quản trị nhà trường theo hướng quản trị chất lượng giáo dục, hướng đến xây dựng đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên.

Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) là một trong những trường đang triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh với cam kết đầu ra cho học sinh.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã khẳng định việc triển khai mô hình trường mầm non, phổ thông tiên tiến là phù hợp với xu thế hiện đại. Tạo cơ hội cho các đơn vị trong đổi mới, nâng cao năng lực giáo dục đào tạo cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu nhà trường.

Tuy vậy, để triển khai hiệu quả thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần làm rõ, tháo gỡ. Trước hết là xác định xây dựng trường tiên tiến toàn bộ hay từng bước thí điểm một số lớp tiên tiến trong trường tiên tiến. Điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề quan trọng là xây dựng chương trình nhà trường để phù hợp với các mô hình giáo dục. Cùng với đó là chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ đáp ứng chương trình và các vấn đề liên quan đến tài chính.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại hội nghị.

Đề án xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế được xây dựng gồm 9 nội dung: sứ mệnh tầm nhìn, nội dung chương trình giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá, đội ngũ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, hệ thống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số trong quá trình dạy học, chuẩn đầu ra...

Tuy nhiên, trước một mô hình mới, các đại biểu cũng cho hay sẽ khó tránh khỏi những khó khăn ban đầu từ xây dựng kế hoạch cụ thể, tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh và triển khai. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường học trên địa bàn TP Vinh đang triển khai chương trình tăng cường. Khi thực hiện trường/lớp tiên tiến sẽ có thực tế trong 1 trường cùng lúc triển khai nhiều mô hình. Vì vậy, đề xuất Sở GD&ĐT có chỉ đạo, hướng dẫn sát sao các nhà trường trong quá trình thực hiện đề án trường tiên tiến trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ ban hành.

Giờ học tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) - đơn vị được chọn thí điểm triển khai chương trình tiên tiến của cấp THPT tỉnh Nghệ An.

Kết luận hội nghị, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An làm rõ hơn về mô hình và các nội dung của trường mầm non, phổ thông tiên tiến. Trên cơ sở các nội dung đã thảo luận, các nhà trường cần bắt tay xây dựng đề án, làm rõ nội dung sứ mệnh tầm nhìn, hệ thống giá trị cốt lõi của nhà trường.

Trong đó, xác định yếu tố con người, chương trình và môi trường (điều kiện cơ sở vật chất, tuyển sinh và các yếu tố khác) quyết định chất lượng giáo dục. Những yếu tố còn lại chỉ là yếu tố đảm bảo.

Muốn vậy, hiệu trưởng cần thành lập ban, tổ xây dựng trường tiên tiến để chỉ đạo toàn diện quá trình thực hiện với sự tham gia của ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán. Lựa chọn đúng người, đúng việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nhấn mạnh, việc xây dựng mô hình trường tiên tiến không tách rời truyền thống giáo dục của trường, địa phương, bản sắc dân tộc. Khi xây dựng chuẩn đầu ra cũng phải đảm bảo chất lượng, quản trị chất lượng để có học thật, thi thật và nhân tài thật. Để vừa đáp ứng chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình GD phổ thông nhưng phát huy được năng khiếu, sở trưởng và các kỹ năng của người học chương trình tiên tiến.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật