Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong ngành Giáo dục
Sáng 23/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự và chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Tham dự hội nghị có ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cùng đại diện các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT và một số đơn vị liên quan.
Hội nghị nhằm quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bổ sung những kiến thức cơ bản để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, từ đó nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các đơn vị cũng như nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc của các cơ quan, cá nhân liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, hội nghị cũng là dịp để trao đổi, thống nhất phương pháp, cách làm và bổ sung kinh nghiệm thực tiễn giữa các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT với đại diện Thanh tra Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. |
Tại hội nghị, ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua nên không còn mới mẻ, xa lạ tuy nhiên nội dung trong luật vẫn mang tính thời sự và có nhiều điểm mới.
So với Luật Phòng, chống tham nhũng trước đây, ngoài việc quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một cách bao quát hơn. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ GD&ĐT thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh, sinh viên được tiếp cận chương trình giảng dạy về phòng, chống tham nhũng bước đầu đã hiểu và nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân về công tác phòng chống, tham nhũng.
Tuy nhiên, việc phòng, chống tham nhũng còn một số khó khăn nhất định có thể kể đến như công tác tuyên truyền, giáo dục có mặt còn hạn chế; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện trong nội bộ vẫn là khâu yếu…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh, nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong trường học và các đơn vị thuộc Bộ.