Môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: Đúng, đủ và sáng tạo cần thiết để "gỡ" điểm
Thí sinh khi làm bài thi ở tất cả các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (TN THPTQG) đều có những lưu ý chung chung theo nội quy, quy chế của kỳ thi.
Tuy nhiên, mỗi một môn học đều có những đặc trưng nên các em cần bám sát vào những đặc trưng ấy để có phương pháp ôn tập và làm bài thi sao cho tốt nhất.
Trong số các môn thi tốt nghiệp hiện hành, Ngữ văn là môn thi còn lại duy nhất thi theo hình thức tự luận và cũng là môn học có đặc thù riêng nên học sinh càng cần phải có “chiến lược” ôn thi và các phương pháp, kĩ năng làm bài để có thể thi đạt kết quả cao nhất.
Nắm chắc kiến thức cơ bản của các tác phẩm ở lớp 12
Cha ông ta có dạy, “có bột mới gột nên hồ” nên không riêng gì môn Ngữ văn, tất cả các môn học khác, học sinh muốn làm bài tốt thì trước hết phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Kỳ thi TN THPTQG hướng đến kiểm tra, đánh giá cho mọi đối tượng học sinh ở mọi vùng miền khác nhau nên nội dung, mục đích chính của đề thi vẫn là kiểm tra, đánh giá kiến thức cơ bản. Mặt khác, kỳ thi này đã đổi tên thành “kỳ thi tốt nghiệp….”, nghĩa là mục đích xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh là chính nên kiểm tra kiến thức nền tảng là ưu tiên trước hết.
Riêng với môn Ngữ văn, kiến thức cơ bản chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, trong đó chú trọng tập trung ở phần Đọc hiểu tác phẩm. Để nắm chắc được kiến thức cơ bản, học sinh cần ôn tập các tác phẩm theo nhóm thể loại: Thơ (Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng); Tùy bút (Người lái đò sông Đà; Ai đã đặt tên cho dòng sông); Truyện ngắn (Vợ chồng A Phủ; Vợ nhặt; Rừng xà nu; Những đứa con trong gia đình; Chiếc thuyền ngoài xa); Kịch (Hồn Trương Ba da hàng thịt); Chính luận (Tuyên ngôn độc lập). Việc ôn tập theo đặc trưng thể loại sẽ giúp học sinh cảm thụ, phân tích được toàn diện về tác phẩm.
Bên cạnh đó, một quy tắc cần lưu ý trong quá trình ôn tập, tiếp thụ kiến thức cơ bản học sinh cần chú ý là ôn tập kỹ không phải cần biết thật nhiều kiến thức, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết. Nghĩa là không quá ôm đồm kiến thức, chỉ cần nắm chắc các kiến thức khái quát về tác giả, tác phẩm, còn nữa cần để một “khoảng không” cho sự sáng tạo trong quá trình viết bài.
Nắm chắc cấu trúc đề thi
Đề thi môn Ngữ văn có hai phần rõ ràng là phần Đọc - hiểu và phần Làm văn. Nắm vững từng phần trong cấu trúc đề thi không chỉ giúp các em có kế hoạch ôn tập khoa học, mà còn giúp các em chủ động về mặt thời gian và phương pháp khi làm bài. Khi làm từng phần thí sinh cần có những kiến thức và kĩ năng làm bài khác nhau:
Phần Đọc – hiểu chiếm 3 điểm/10 điểm của bài thi và là phần có thể lấy trọn điểm tối đa. Khi làm phần này cần chú ý: Đọc kĩ văn bản, xác định cơ bản về nội dung và phân loại văn bản; Thực hiện các yêu cầu của đề theo ba mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng (Chú ý những khái niệm dễ nhầm lẫn như phong cách ngôn ngữ và thao tác lập luận…; Nên trả lời lần lượt để bài làm bám sát được đáp án; Trả lời theo đoạn văn hoặc câu văn; Hết mỗi ý, mỗi câu xuống dòng; Không nên gạch đầu dòng; Tránh trình bày dài dòng, nhớ quy tắc “hỏi gì đáp nấy” ở các câu nhận biết; Chú ý phân chia thời gian cho các câu hỏi hợp lý…).
Phần Làm văn chiếm tới 7 điểm/10 điểm của bài thi với hai câu: Câu 1 – Viết đoạn văn Nghị luận xã hội khoảng 200 từ (2 điểm) có nội dung liên quan với đoạn trích/văn bản thuộc phần Đọc hiểu. Nội dung thường bàn về ý nghĩa/tầm quan trọng/vai trò… của một tư tưởng đạo lý nào đó hoặc bàn về một hiện tượng đời sống đã và đang được dư luận xã hội quan tâm. Viết đoạn văn Nghị luận xã hội cần chú ý cả hình thức và nội dung đoạn văn. Nên dùng kết cấu đoạn văn là tổng phân hợp.
Trong khi bàn luận cần lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu có trong đời sống xã hội để chứng minh cho các lập luận mà bản thân đã chỉ ra. Câu hai, viết bài văn Nghị luận văn học thường là cảm thụ về đoạn thơ hoặc đoạn trích văn xuôi trong tác phẩm truyện, kí, kịch; cũng có khi đề xác định một nội dung nghị luận cụ thể trong tác phẩm (hình tượng người lính/thiên nhiên/giá trị nhân đạo… trong đoạn thơ; hình tượng nhân vật/tình huống truyện/giá trị nhân đạo… trong tác phẩm truyện hoặc kịch).
Như vậy, nắm chắc được cấu trúc đề thi trên, thí sinh sẽ chủ động được thời gian làm bài và phương pháp ôn tập trong giai đoạn nước rút.
Tạo hứng thú
Thiết nghĩ, đối với bất kỳ môn học nào khi các em đã có hứng thú khám phá thì đều tạo ra được động lực để thành công. Riêng môn Ngữ văn điều này càng đặc biệt quan trọng vì yếu tố cảm xúc sẽ luôn tạo ra những bài văn xúc động, hấp dẫn và thuyết phục. Trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có phần thi “Làm văn”, đây là phần thi kiểm tra khả năng hiểu biết, trưởng thành của học sinh qua việc bàn luận về một vấn đề xã hội cũng như việc cảm thụ một nội dung nào đó trong tác phẩm văn chương. Để làm tốt phần này, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản cũng như có những hiểu biết nhất định về các vấn đề xã hội, thí sinh rất cần có cảm hứng trong khi viết bài.
Tạo ra được sự hứng thú khi viết bài nó sẽ giúp cho người viết có một “mạch văn” thông suốt, cảm hứng nó giúp cho con chữ cứ thể được khơi thông và cứ thế tuôn chảy. Trước kỳ thi, các em thay vì nghĩ rằng, ngày mai đề sẽ ra tác phẩm nào, nội dung gì mà các em hãy nghĩ rằng, mình sẽ được “gặp gỡ”, khám phá những vấn đề mới mẻ. Như thế sẽ tránh được tâm lý lo lắng và thay vào đó là sự hứng khởi để làm bài. Nếu cảm xúc trước buổi thi Văn mà được như cảm xúc của lòng náo nức mong muốn trước giờ mình được gặp gỡ người mình yêu mến thì rất tuyệt vời. Đặc trưng của môn Ngữ văn nói chung và phần Làm văn nói riêng thì yếu tố cảm xúc vô cùng quan trọng. Có cảm xúc sẽ có sự hóa thân và liên tưởng tốt. Từ đó, giúp cho bài văn vừa mạch lạc vừa phát triển được dung lượng các luận điểm.
Tuy nhiên, các em khi viết bài cũng cần lưu ý, cảm xúc là cần nhưng việc tiết chế cảm xúc cũng rất quan trọng. Không phải chỉ vì quá tâm đắc với một luận điểm mà sa vào bàn luận, phân tích không có điểm dừng. Như thế lại thành lan man, dài dòng, không đúng trọng tâm và không đảm bảo được thời gian cho các luận điểm tiếp theo. Cảm xúc nhưng phải “quản trị” tốt cảm xúc trong khi viết văn là điều rất quan trọng mà thí sinh cần lưu ý.
Sáng tạo
Làm văn rất cần sự sáng tạo của người viết. Sáng tạo không chỉ ở mặt nội dung, mà còn sáng tạo ở cả hình thức trình bày. Bài văn cần có cách diễn đạt mới mẻ, tránh những cách diễn đạt theo khuôn sáo đến sáo rỗng. Cố gắng tìm tòi, lựa chọn những từ ngữ tinh tế, vận dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật tu từ để thể hiện nội dung. Bên cạnh đó, thí sinh có những suy nghĩ sâu sắc, có chính kiến, có cảm thụ riêng cũng là yếu tố quan trọng để giám khảo đánh giá sự sáng tạo của bài viết. Sáng tạo trong quá trình làm bài còn thể hiện ở khả năng liên tưởng, so sánh vấn đề nghị luận của đề yêu cầu với những vấn đề tương đồng ở các tác phẩm khác.
Trong khi viết văn, những thí sinh có ý thức sáng tạo cũng là những thí sinh có được cảm hứng để viết bài. Thí sinh có thể hóa thân vào nhân vật, vào tình huống, vào chi tiết tiêu biểu… để sáng tạo. Sáng tạo nó khơi hứng, gợi hứng và chắp cánh cho ngòi bút thăng hoa. Cảm thụ về một đoạn thơ bất kỳ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng mà thí sinh biết đặt mình vào chính nhà thơ trong nỗi nhớ “chơi vơi”, diết da về đồng đội cũ, đơn vị cũ, vùng đất cũ mình từng gắn bó, từng đi qua… thì mới cảm thụ sâu sắc được. Cảm thụ về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân thì thí sinh phải hóa thân vào cuộc đời Mị để thấy hết được nỗi khổ đau cùng cực trước đó của cô, từ đó cảm nhận được tinh tế diễn biến tâm lý trong lòng Mị, cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn, khuất lấp trong Mị - khát khao hạnh phúc cháy bỏng, ý thức về thân phận bất hạnh, sức sống mãnh liệt…
Kỳ thi TN THPTQG đang đến gần, với một năm học cả thầy và trò gặp muôn vàn khó khăn nhưng với sự nỗ lực và học tập có phương pháp thì thành công sẽ đến. Trong giai đoạn nước rút này, yếu tố nỗ lực vượt qua những áp lực, những tâm lý thông thường trong khoảnh khắc chia tay, cũng như những cám dỗ của cuộc sống là những tiền đề quan trọng để các em vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất.