• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không cần làm xác nhận sơ yếu lý lịch khi nhập học

Cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét bỏ nội dung “yêu cầu chính quyền xã, phường xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương"...

Cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét bỏ nội dung “yêu cầu chính quyền xã, phường xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương” trong Mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên dùng cho học sinh, sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Lý do, yêu cầu này không phù hợp với Công văn 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực thuộc Bộ Tư pháp về hướng dẫn xác nhận Sơ yếu lý lịch (Công văn 1520/HTQTCT-CT có nêu: Đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân).

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2007, để các trường làm tốt hơn công tác quản lý học viên và giúp thực hiện tốt các chế độ chính sách, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 58/2007/QĐ-BGDĐT ngày 12/10/2007 quy định về hồ sơ học sinh, sinh viên và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học sinh, sinh viên (Quyết định kèm theo). Điều 4 Quyết định yêu cầu hồ sơ nhập học của học sinh, sinh viên phải có 8 loại giấy tờ, trong đó có sơ yếu lý lịch.

Tuy nhiên, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 5/3/2012 ban hành quy chế về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và sau này là các quy chế tuyển sinh tiếp theo. Trong đó có nêu rõ hồ sơ nhập học của học sinh, sinh viên sẽ gồm 5 loại giấy tờ và không cần sơ yếu lý lịch.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 20 văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT ngày 20/12/2021 ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành, quy định thí sinh trúng tuyển vào cơ sở đào tạo cần nộp bản sao hợp lệ những giấy tờ sau đây: “a) Học bạ; b) Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp THPT đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp THPT để đối chiếu kiểm tra; c) Giấy khai sinh; d) Các minh chứng để được hưởng chế độ ưu tiên quy định trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; đ) Các yêu cầu khác theo quy định của các cơ sở đào tạo”.

Như vậy, từ năm 2012 đến nay, học sinh, sinh viên không cần phải làm xác nhận sơ yếu lý lịch khi nhập học (theo quy định của Bộ GD&ĐT). Trường hợp cần thực hiện xác nhận nội dung khai trong sơ yếu lý lịch, nếu có yêu cầu tại UBND các phường, xã nơi cư trú thì tuân theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật