Học sinh Nhật Bản hào hứng nặn tò he
Không chỉ cùng nhau giao lưu qua các trò chơi thể thao như bóng rổ, cầu lông, chơi kéo co, 41 học sinh đến từ thành phố Fukuoka (Nhật Bản) đã cùng học sinh trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu nghề gốm Bát Tràng, nặn tò he, làm nón…, qua đó giúp các em hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của người Việt.
Nhiều hoạt động giao lưu, trải nghiệm thú vị
Nằm trong khuôn khổ của chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục lần thứ 5 giữa học sinh Hà Nội và tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) năm 2023, đoàn cán bộ, giáo viên và học sinh tỉnh Fukuoka đã tới thăm, giao lưu cùng thầy cô và học sinh trường THPT Việt Đức. Trong các ngày từ 8-10/8, trường THPT Việt Đức cùng các trường THPT Chu Văn An, THPT Trần Phú, THPT Đoàn Thị Điểm, THPT Phan Đình Phùng tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các học sinh của trường với đoàn giáo viên, học sinh đến từ Fukuoka. Tại trường THPT Việt Đức, các em học sinh được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của trường, tham gia vào các các môn thể chất như bóng rổ, kéo co, cầu lông, trổ tài ca hát…
Các bạn học sinh đến từ đoàn Fukuoka được tham gia nhiều hoạt động cùng học sinh trường THPT Việt Đức |
Em Đỗ Hà Phương (THPT Việt Đức) tỏ ra rất hào hứng với những trò chơi mang tinh thần đồng đội này và cho biết: “Thông qua các hoạt động chung này, chúng em đã quan sát và học hỏi được được tinh thần kiên nhẫn, kiên cường, bền bỉ và tinh thần tập thể, vì cái chung của các bạn học sinh Nhật Bản. Điều này giúp chúng em có thêm nhiều kỹ năng tổ chức, kỹ năng xây dựng đội, nhóm và tính kỷ luật trong học tập và làm việc nhóm”.
Các em cùng tham quan và làm gốm tại Bát Tràng |
Các em vô cùng thích thú, hào hứng |
Bên cạnh các hoạt động thể thao, các thầy cô giáo trường THPT Việt Đức còn đưa các em học sinh đi tham quan làng gốm Bát Tràng, gặp gỡ các nghệ nhân và trải nghiệm các công đoạn làm gốm; Thi nặn tò he, múa sạp và tìm hiểu văn hóa đặc trưng của Thủ đô và các vùng Tây Bắc.
Chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, em Sakurako Nishi, học sinh đến từ trường Kyushu Sangyo (TP Fukuoka) cho hay: “Đây là lần đầu tiên em được nặn tò he và tìm hiểu về gốm Bát Tràng. Những trải nghiệm này thật tuyệt vời vì Hà Nội đã mang đến cho em những cảm xúc không thể quên” Sakurako nói và đùa rằng món ăn, cảnh đẹp, văn hóa Hà Nội làm em “không nhớ đường về Nhật nữa”.
Em Sakurako Nishi, học sinh đến từ trường Kyushu Sangyo (đầu tiên, từ trái sang) rất hào hứng khi được nghệ nhân hướng dẫn nặn tò he |
Thông qua các hoạt động, các em học sinh Nhật Bản trở thành những "sứ giả" trẻ, giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới |
Đáng chú ý, một trong những trải nghiệm thú vị đối với các em học sinh Fukuoka trong những ngày này, đó là các bậc phụ huynh của học sinh ở 5 trường THPT đã đón tiếp các em nồng hậu.
Được tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày, trải nghiệm nấu ăn và tìm hiểu phong tục tập quán của Hà Nội đã giúp học sinh nước bạn cảm nhận được tình cảm, sự hiếu khách và nét văn hóa đặc sắc của Hà thành.
Các em Hinata, Nguyễn Lâm Nhi, Đỗ Hà Phương và Honori cùng tham gia chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Hà Nội- Fukuoka lần thứ 5 |
Em Nguyễn Lâm Nhi (THPT Việt Đức) hướng dẫn bạn Hinata nấu món ăn Việt |
Nâng cao chất lượng nguồn lực từ những chương trình giao lưu quốc tế
Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, là ngôi trường không chuyên đầu tiên của Hà Nội đào tạo 5 ngoại ngữ Anh, Đức, Pháp, Hàn, Nhật, Ban giám hiệu trường THPT Việt Đức đã chủ động tổ chức các chương trình giao lưu với các nước bạn nhằm tạo cơ hội để học sinh nâng cao kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng tổ chức, từ đó giúp các em dễ dàng tìm kiếm những cơ hội du học cũng như có khả năng hội nhập dễ dàng với môi trường quốc tế.
Lần đầu tiên, các em học sinh Nhật Bản được múa sạp, tìm hiểu về văn hóa Tây Bắc |
Đánh giá những mặt “được” từ các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục, cô Nguyễn Bội Quỳnh cho rằng, trước tiên, điều “được” nhất đó là các em có cơ hội được cọ xát với thực tế, được trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ mà các em yêu thích và học hỏi thêm nhiều kỹ năng cần thiết để hội nhập.
“Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là vô cùng cấp thiết. Điều này đòi hỏi tư duy và sự nhạy bén của các cơ sở giáo dục. Ban Giám hiệu trường THPT Việt Đức nhận thức rõ điều đó nên đã chủ động, tích cực tham gia vào những chương trình trao đổi, giao lưu về văn hóa, giáo dục của thành phố Hà Nội với các nước trên thế giới.
Tháng 9 tới đây, chúng tôi tiếp tục chương trình giao lưu với các trường học đến từ Đức và Nhật Bản để các em học sinh của trường được học hỏi, mở rộng tầm nhìn, từ đó nuôi dưỡng khát vọng bay cao, bay xa và cống hiến cho đất nước, cho dân tộc”, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức bày tỏ thêm.
Tại phòng truyền thống của THPT Việt Đức, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức giới thiệu lịch sử, truyền thống của trường với đoàn giáo viên, học sinh Fukuoka |
Có thể thấy, việc Hà Nội tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến tham quan, giao lưu hoặc học tập ngắn hạn, và ngược lại, đưa học sinh của thành phố đi nước ngoài sẽ góp phần đa dạng hóa hình thức học tập tại các trường THPT hiện nay. Điều này cũng giúp cho thành phố Hà Nội sớm đạt được mục tiêu của Chương trình 06/Ctr-TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
Sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình
Theo TS.Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội đã đề xuất với thành phố thực hiện các chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục giữa các trường của Thủ đô với các trường tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Mỹ, Pháp, Anh, Ý…
Một trong những điểm đáng lưu ý là các em sẽ được tham quan, học tập và ở lại nhà dân. Học sinh tham gia chương trình sẽ được các gia đình ở nước bạn đón tiếp, trải nghiệm nếp sinh hoạt, qua đó tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa nước bạn. Điều này sẽ giúp các em nâng cao trình độ ngoại ngữ, có cơ hội trải nghiệm, hoàn thiện kỹ năng sống để nhanh chóng hòa nhập vào môi trường văn hóa mới nếu các em có cơ hội du học, làm việc hoặc sinh sống ở nước ngoài.
Các hoạt động thể thao giúp học sinh Hà Nội học được tinh thần kỷ luật, kiên cường của Nhật Bản |
Chương trình trao đổi thường kéo dài 2 tuần đến 1 tháng, diễn ra vào dịp hè hoặc đầu năm mới, cuối năm. Hà Nội sẽ tạo môi trường và kêu gọi xã hội hóa của các tổ chức phi chính phủ, đồng thời kinh phí cũng do các gia đình, phụ huynh đóng góp.
"Mục tiêu cao nhất mà chúng tôi đề ra đó là đây không chỉ là chuyến tham quan mà chương trình trao đổi phải thực sự bổ ích đối với học sinh, nâng cao hiểu biết văn hóa giữa 2 dân tộc, thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tặng quà cho đoàn giáo viên, học sinh Fukuoka |
Hiện nay, ngoài trường công thì rất nhiều trường tư thục cũng mong muốn tham gia chương trình. Do đó, để hiệu quả và nhân rộng, chúng tôi mong nhận được sự đồng hành của phụ huynh, để từ đó, học sinh ở các trường trên toàn thành phố, đặc biệt là các trường khu vực ngoại thành nhận được lợi ích từ chương trình, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa ngoại thành và nội thành", Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết.
Hoạt động trao đổi văn hóa, giáo dục sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP Hà Nội |
|
Nữ sinh trường THPT Việt Đức vui cùng bạn bè đến từ Fukuoka |