• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học phí đại học ồ ạt tăng, sinh viên “quay xe” khi chọn trường

Trước gánh nặng học phí, nhiều thí sinh dù có kết quả khả quan trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn quyết định lựa chọn lại nguyện vọng xét tuyển.

Ồ ạt tăng học phí

Với Nghị định mới của Chính phủ về học phí, các Đại học tự chủ được phép thu tối đa gấp từ 2 - 2,5 lần trường chưa tự chủ. Có điều, dù sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phần lớn các trường đều tăng học phí kịch trần.

Trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều trường đại học tăng từ 30 - 70%. Học phí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so năm 2021. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ.

Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 (276.000 đồng cho hệ đại trà và 771.000 đồng hệ chất lượng cao). Với 143 tín chỉ trong bốn năm học, trung bình mỗi năm sinh viên cần nộp 15,75-47 triệu đồng.

Học phí đại học ồ ạt tăng, sinh viên “quay xe” khi chọn trường

Học phí đại học ồ ạt tăng, sinh viên “quay xe” khi chọn trường. Ảnh minh họa

Năm học này, Đại học Luật Hà Nội cũng dự kiến mức thu học phí khá cao so với năm học trước. Theo đó, năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học, học phí là 2 triệu đồng/tháng - tăng 2,04 lần so với mức 980.000 đồng của năm học 2021-2022. Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng - tăng 1,65 lần so với mức 3.025.000 đồng của năm học 2021-2022.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết năm học 2022-2023 sẽ chính thức điều chỉnh học phí. Trao đổi bên lề Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 4/8, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: "Câu chuyện tự chủ của các trường là tính lộ trình tăng học phí một cách phù hợp để xã hội và phụ huynh chấp nhận.

Thực hiện tự chủ từ năm 2020, nhà trường cam kết với người học là mức học phí tăng không quá 8-10% từ năm 2020. Năm 2020 không tăng học phí. Năm 2021 do vấn đề dịch bệnh cũng không tăng. Năm 2022-2023, trường mới bắt đầu tăng. Theo mức tín chỉ, tín chỉ thấp nhất là 350.000 đồng/tín chỉ, mức cao nhất là 1 triệu đồng/tín chỉ, tùy theo nhu cầu người học. Mức học phí đó đã đáp ứng được nhu cầu của các em học sinh”.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí với sinh viên hệ chính quy lên mức 4,2 triệu đồng/tháng. So với năm học trước, sinh viên năm học sắp tới phải đóng học phí cao hơn 7 triệu đồng. Với các năm học tiếp sau khóa 2022, mỗi năm, học phí của Đại học Kinh tế Hà Nội sẽ tiếp tục tăng 2 triệu đồng so với năm học đầu tiên.

Áp lực dồn lên vai người học

Việc hàng loạt các trường đại học ồ ạt tăng học phí được phụ huynh và các thí sinh hết sức băn khoăn để cân nhắc lựa chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có đến gần 30 cơ sở giáo dục đại học thông báo học phí năm học 2022-2023.

Dù có kết quả khá tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhưng Nguyễn Đăng Khôi (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn vô cùng băn khoăn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Mơ ước được vào học tại ngôi trường Đại học Luật Hà Nội, có lẽ không thành hiện thực khi em cân nhắc đến khả năng tài chính của gia đình.

Đăng Khôi chia sẻ: “Theo tìm hiểu của em, với sinh viên học các chương trình đại trà học phí là 2 triệu đồng/tháng (5 tháng/học kỳ, 40 tháng/khóa học), tương đương 572.000 đồng/tín chỉ. Với các chương trình chất lượng cao là 50 triệu đồng/năm học, tương đương 1.605.000 đồng/tín chỉ. Nếu đỗ nguyện vọng 1, mức học phí này vượt quá khả năng của gia đình em”.

Khôi và gia đình đang cân nhắc để lựa chọn lại ngành nghề ở một ngôi trường khác có học phí phù hợp hơn.

Một sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, không chỉ áp lực học phí mà chi phí ăn ở, sinh hoạt ở thành phố trong thời buổi vật giá leo thang cũng khiến sinh viên vô cùng lao đao. Theo tính toán của sinh viên này, tiền giáo trình, dụng cụ học tập của sinh viên là 4 - 5 triệu đồng/năm, tiền ăn ở sinh hoạt 5 triệu đồng/tháng. Cùng với các chi phí phát sinh khác thì trung bình mỗi tháng gia đình phải chu cấp cho em khoảng 10 triệu đồng.

“Quãng đường học y 6 năm thực sự rất dài. Với mức học phí như vậy cũng khá áp lực cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tăng học phí là tăng gánh nặng của gia đình em” - sinh viên này nói.

Thí sinh Nguyễn Văn Quốc (ở Mỹ Đức, Hà Nội) thì chia sẻ quan điểm: “Còn rất nhiều lựa chọn khác ngoài con đường đại học, cao đẳng. Vì vậy, em sẽ không cố gắng vào đại học bằng mọi giá nếu như thấy rằng sự lựa chọn đó trở thành áp lực và gánh nặng với gia đình. Tính sơ sơ, với mức học phí tăng như hiện nay, mỗi tháng cả tiền học và sinh hoạt phí sẽ không thấp hơn 5 - 7 triệu đồng tức là bằng một nửa thu nhập của cả gia đình em. Có lẽ, em sẽ chọn học nghề”.

Thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên vai người học.

Lý giải về việc tăng học phí đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần nhìn nhận thực chất của vấn đề. Hiện nay, tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng GD-ĐT, cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan