• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng vội lo khi trường có tỷ lệ “chọi” cao...

Không có căn cứ nào để xác định trường có tỷ lệ “chọi” cao thì điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn của một trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, trong giai đoạn nước rút này, điều các thí sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội cần quan tâm là ôn luyện cho tốt và giữ vững tinh thần…

Nhiều trường “top” giữa tăng đột biến thí sinh

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT trên địa bàn thành phố trong mùa tuyển sinh năm 2023 - 2024. Căn cứ vào chỉ tiêu được giao và số thí sinh đăng ký, nhiều phụ huynh, thí sinh lo lắng khi các trường có tỷ lệ “chọi” tăng cao.

Theo số liệu công bố cho thấy, các trường THPT “top” đầu như THPT Chu Văn An, THPT Yên Hòa, THPT Cầu Giấy không có nhiều biến động về tỷ lệ “chọi” so với các năm trước. Trong khi đó, một số trường “top” giữa như THPT Khương Hạ, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Khương Đình, THPT Đống Đa, THPT Trung Văn, THPT Trương Định... lại có tỷ lệ “chọi” tăng đột biến khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng. Việc một số trường có tỷ lệ "chọi" tăng đột biến khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.

Đừng vội lo khi trường có tỷ lệ “chọi” cao...

Học sinh lớp 9A4 trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ôn thi vào lớp 10

Đơn cử có thể kể đến trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) có 1.584 thí sinh đăng ký dự thi trên tổng số 630 chỉ tiêu được giao. Trong khi đó, năm ngoái, trường có 1.140 thí sinh đăng ký dự thi trên tổng số chỉ tiêu được giao 585.

Tuy nhiên, đột biến nhất phải kể đến THPT Trung Văn (Nam Từ Liêm). Năm học 2022 - 2023, trường có 761 thí sinh dự thi trên tổng số 480 chỉ tiêu được giao thì ở mùa tuyển sinh năm nay, vẫn từng đó chỉ tiêu được giao nhưng 1.121 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 360 thí sinh.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Đại Mỗ, chia sẻ: Sau khi nghiên cứu điểm chuẩn các trường trong những năm trở lại đây, chị quyết định cho con đăng ký vào trường THPT Trung Văn vì trường có số thí sinh đăng ký dự thi ít hơn nhiều so với các trường trong khu vực. Khi nghe tin đây là trường có tỷ lệ "chọi" cao, cả gia đình đều rất lo lắng.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Trương Định, Nguyễn Thị Hoa Mai học sinh trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), chia sẻ: “Năm nay, em đăng kí nguyện vọng 1 vào trường THPT Trương Định gần nhà và cũng mong muốn điểm chuẩn sẽ "nhẹ nhàng" như năm trước để có thể trúng tuyển. Sau khi biết thông tin tỷ lệ "chọi" của trường năm nay cao nhất quận nên em rất hồi hộp”.

Không phải tỷ lệ “chọi” cao, điểm chuẩn sẽ cao

Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay, toàn thành phố có 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, giảm 1.669 thí sinh so với năm học 2022-2023.

Chỉ tiêu tuyển sinh toàn thành phố ở nhóm trường công lập không chuyên là 69.805, tăng 785 chỉ tiêu so với năm học 2022-2023. Như vậy, tỷ lệ “chọi” (tỷ lệ cạnh tranh suất vào lớp 10) của năm nay ở các trường công lập là 1/1,5. Trong khi đó, tỷ lệ này năm ngoái là 1/1,54.

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc tỷ lệ “chọi” cao liệu có dẫn đến việc điểm chuẩn cao hơn không, các thầy, cô giáo có kinh nghiệm chia sẻ rằng, không có căn cứ nào về việc tỷ lệ “chọi” cao thì điểm thi cao và điểm chuẩn cao.

Điểm chuẩn trúng tuyển từng năm phụ thuộc nhiều yếu tố, như: Số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển, chỉ tiêu, đề thi, lực học của học sinh... Tỷ lệ “chọi” chỉ là một trong những thông tin để thí sinh tham khảo, biết rõ hơn về mối tương quan giữa chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường đó, trong năm học đó.

Thí sinh không nên quá lo lắng, căng thẳng nhưng cũng không chủ quan. Thực tế, tỷ lệ “chọi” thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp, bởi có thể những thí sinh đăng ký đều là những em học xuất sắc.

Điều đáng lưu ý, khác những năm trước, năm nay Hà Nội không cho phép thí sinh đổi nguyện vọng sau khi đã công bố số lượng thí sinh dự tuyển vào các trường. Lý giải điều này, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, đồng thời giúp công tác tổ chức tuyển sinh được khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chia các trường THPT công lập theo 12 khu vực tuyển sinh.

Bên cạnh đó, với việc phân chia khu vực tuyển sinh, Sở quy định mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập không chuyên (những năm trước là 2 nguyện vọng). Trong đó, nguyện vọng cuối cùng có thể nằm ngoài khu vực tuyển sinh theo quy định. Sở cũng cho phép thí sinh được thay đổi khu vực tuyển sinh để đăng ký nguyện vọng cho phù hợp với năng lực, điều kiện và khả năng của bản thân và gia đình.

Ngoài việc lựa chọn nguyện vọng vào trường công lập không chuyên, học sinh được quyền đăng ký dự thi vào các trường chuyên (2 nguyện vọng) hoặc có thể dự tuyển vào trường tư thục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên... Sở cũng đã bố trí một khoảng thời gian dài (gần 1 tháng) cho học sinh nghiên cứu, lựa chọn và đăng ký nguyện vọng (từ ngày 31/3 đến 24/4/2023).

Như vậy, quyền lợi đăng ký và cơ hội học tập của học sinh thành phố rất nhiều. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 200 trường THPT, 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và hàng chục cơ sở đào tạo nghề có thể đáp ứng đủ nguyện vọng học tập của học sinh tốt nghiệp THCS.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các phương án tổ chức cho học sinh đăng ký dự tuyển như trên đã được triển khai ổn định, phù hợp với đặc thù của Hà Nội, tạo tâm lý ổn định cho học sinh và nhận được đồng thuận.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng động viên thí sinh: “Thời điểm này, thí sinh không nên quá lo lắng, tránh bị phân tán tư tưởng, ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập. Các em hãy bình tĩnh, tự tin, tích cực ôn tập trong nội dung chương trình đã được học để đạt kết quả cao nhất tại kỳ thi tuyển sinh năm nay”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan