Đỗ đại học cũng nhìn vào gia cảnh? Danh sách trúng tuyển trường top đầu gây tranh cãi vì thực trạng đáng buồn
Thực trạng đáng buồn khiến không ít người phải suy ngẫm.
Kỳ thi tuyển sinh đại học là kỳ thi lớn của cuộc đời mỗi học sinh. Việc theo học ngành gì, trường nào quyết định không nhỏ tới vận mệnh tương lai và sự nghiệp cả đời của mỗi cá nhân. Đặc biệt là với những học sinh xuất thân nghèo khó thì đây càng là bước ngoặt quan trọng nhất để họ có thể thay đổi tương lai của mình.
Thế nhưng dù thế nào vẫn luôn tồn tại một sự thật là điều kiện học tập của mỗi người sẽ khác nhau. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể dựa vào nỗ lực của bản thân để phấn đấu, tìm kiếm cơ hội phát triển. Trong khi đó, những người có hoàn cảnh gia đình tốt thì có thể tận dụng, có nhiều con đường để vào đại học.
Mới đây, danh sách sinh viên năm nhất Đại học Giao thông Thượng Hải - một trong những trường đại học danh tiếng nhất nhì Trung Quốc đã làm bùng lên cuộc tranh luận về vấn đề này. Địa vị của Đại học Giao thông Thượng Hải tại đất nước tỷ dân không kém là bao so với Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh nên những sinh viên có thể vào đây học thường là những người đã "đánh bại" vô số thí sinh khác.
Với sự cải tiến của hệ thống tuyển chọn nhân tài ở các trường cao đẳng và đại học, ngoài việc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, học sinh ở các trường danh tiếng còn có thể được nhận vào trường thông qua nhiều hình thức tuyển sinh khác. Đây không phải là chuyện mới nhưng tỷ lệ này đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo dữ liệu được công bố, năm 2023, Đại học Giao thông Thượng Hải có tổng cộng hơn 4.000 thí sinh trúng tuyển và chỉ có 2.277 sinh viên vào trường thông qua kỳ thi tuyển sinh đại học thông thường. Điều đó có nghĩa là gần một nửa sinh viên trúng tuyển qua cách tuyển sinh đặc biệt khác. Cụ thể, có 295 sinh viên nhập học qua kết quả Đánh giá toàn diện Trinity, 210 sinh viên từ Kế hoạch nền tảng vững chắc, 95 sinh viên chuyên ngành thể thao và nghệ thuật, 138 sinh viên được cộng điểm khuyến khích ngoại ngữ,...
Những cuộc tuyển sinh độc lập này không chỉ đánh giá năng lực học tập của học sinh mà còn kiểm tra cả "sức mạnh" của gia đình. Để có thể nhập học theo cách thức khác, phụ huynh cần có định hướng cho con ngay từ đầu. Ví dụ với những em được tuyển nhờ khả năng nghệ thuật hay ngoại ngữ thì công sức và học phí bỏ ra là vô cùng lớn trong thời gian dài. Với những em xuất thân từ gia đình nghèo hay vùng khó khăn không có nguồn lực thì đều khó có thể thực hiện được.
Tuyển sinh theo phương thức khác có phải "đi đường tắt"?
Với sự phát triển của nền giáo dục, ngày càng có nhiều con đường để học sinh vào đại học, không còn bị giới hạn trong kỳ thi tuyển sinh toàn quốc. Tuyển sinh độc lập cung cấp một kênh đặc biệt cho nhiều tài năng toàn diện hơn.
Tuy nhiên, có một số người có thái độ hoài nghi đối với việc tuyển sinh độc lập vì cho rằng đây chỉ là cách để con cái những gia đình có điều kiện "đi đường tắt" và thiếu công bằng. Việc nhiều bạn được tuyển mà không phải thi đại học cũng làm giảm suất tuyển sinh, tỉ lệ chọi cũng gay gắt hơn.
Có người cho rằng sự cạnh tranh giữa các học sinh hiện nay không chỉ là cạnh tranh cá nhân mà còn là cạnh tranh về hoàn cảnh gia đình. Học sinh xuất thân gia đình khá giả có xuất phát điểm cao hơn khi nhận được nhiều nguồn lực và môi trường giáo dục ưu tú hơn. Dẫu vậy, học sinh không thể lựa chọn hoàn cảnh gia đình. Thay vì nghi ngờ bản thân hay đổ lỗi cho cha mẹ, việc của các em vẫn là nỗ lực hết sức mình. Dù được tiếp nhận điều kiện giáo dục như thế nào thì tất cả đều phải chăm chỉ và cố gắng thì mới được công nhận.
Nguồn: Sohu