Dạy con hướng về nguồn cội
Để mỗi người đủ nhận thức và luôn tự hào về nguồn cội, gốc gác của mình, đòi hỏi dày công của các bậc phụ huynh. Điều này làm nên những nhân cách toàn diện, luôn ấm áp, thân thiện với những mối quan hệ rộng hơn.
Về nguồn – đừng đợi khi con lớn
Nhiều năm liền, vợ chồng anh Mạnh Tuấn (quận Tây Hồ, Hà Nội) rất hiếm khi đưa con về quê vì e ngại đường sá xa xôi mà con lại còn quá nhỏ. Khi bọn trẻ cứng cáp hơn, cứ mỗi dịp lễ tết hay nghỉ hè, anh chị lại tranh thủ cho con đi du lịch để xả hơi. Chỉ khi có công có việc, anh chị tức tốc chạy xe về quê rồi lại vội vàng trở lại với công việc bận rộn quanh năm.
Đến một ngày, anh Tuấn giật mình khi con anh không mấy quan tâm quê bố ở đâu, họ hàng có những ai. Nghe bố mẹ nói chuyện về anh em trong họ có chuyện vui, buồn, các con anh đều thờ ơ, không mấy quan tâm.
Chúng chỉ biết ông ngoại đã mất, bà ngoại ở gần, còn ông bà nội thi thoảng từ quê lên và ở lại dăm bữa nửa tháng. Có những lần họ hàng rất gần ở quê lên chơi, các con lúng túng không biết phải chào hỏi, xưng hô như thế nào cho đúng... thậm chí ngại ngùng khi tiếp xúc.
Theo Cử nhân tâm lý học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Phạm Thị Nhạn: Nhiều bậc phụ huynh treo thưởng cho các con bằng những lựa chọn đi ăn uống hay đến những địa điểm du lịch nổi tiếng mà thường không có lựa chọn cho việc về quê thăm ông bà, họ hàng. Sự xa cách cùng với thái độ coi nhẹ của bố mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy rất xa lạ với những người họ hàng thân thích ở quê.
Chúng sẽ không thể cảm nhận được ý nghĩa của tình thân và sự gắn kết trong đại gia đình. Trẻ sẽ không có cảm giác cần hay nhớ nhung những người thân này, đơn giản vì chúng không có kỷ niệm và trải nghiệm, không được dạy về ý nghĩa và sự thiêng liêng của cội nguồn.
Anh Mạnh Tuấn kể: Bọn trẻ không biểu lộ bất kỳ sự hào hứng với những món quà quê mà ông bà chắt chiu, dành tình cảm gửi lên. Thỉnh thoảng ông bà nhớ cháu lại nhắc vợ chồng tôi đưa con về chơi nhưng giờ con lớn rồi, viện đủ lý do để không phải về quê. Khi ông bà lên chơi, cứ ăn xong hay đi học về, bọn trẻ lại vào phòng riêng ở lỳ trong đó mà không trò chuyện, hỏi han gì khiến ông bà rất buồn.
Chứng kiến những ứng xử của các con với ông bà và mối quan hệ với họ hàng, vợ chồng anh Tuấn cảm thấy tiếc nuối vì đã không chú tâm dạy con về nguồn cội. Sốt sắng tìm cách sửa sai, anh Tuấn đồng thời nhắn nhủ các bậc cha mẹ, hãy tranh thủ từng cơ hội nhỏ để dạy con về giá trị và sức mạnh của tình thân.
Sự gắn kết và thấu hiểu ý nghĩa của cội nguồn sẽ làm vững thêm cái “gốc” để mỗi cá nhân phát triển. Những đứa trẻ bây giờ sẽ thành cha mẹ trong tương lai và bạn sẽ chạnh lòng khi đặt mình vào vị trí của ông bà chúng bây giờ.
Dạy trẻ tự hào “gốc gác”
Dạy trẻ về gốc gác của bản thân là một thành tố dạy cho chúng bài học lớn hơn về sự tự trọng và tự tôn. Trẻ cần được dạy, bất cứ ai cũng có cội nguồn, quê hương bản quán.
Sống ở Hà Nội nhưng vợ chồng chị Hương Trà mỗi người một quê. Tuy hai quê cách xa nhau nhưng mỗi dịp hè hay nghỉ tết anh chị luôn dành thời gian để các con được về cả quê bố và mẹ để thăm họ hàng, người thân. Chị Trà coi đây là cơ hội để dạy các con bài học về cội nguồn, quê hương bản quán.
Khi về quê, hai đứa con chị Trà không chỉ được khám phá vô số những điều mới lạ không có ở thành phố, mà chúng còn được gặp gỡ những người họ hàng, người thân của ông bà, bố mẹ. Qua những dịp này, trẻ thêm hiểu và thêm yêu truyền thống gia đình, dòng họ với những câu chuyện về tuổi thơ của bố mẹ được kể lại nhiều lần mà nghe không bao giờ chán.
Chị Trà chia sẻ: “Sống và làm việc tại Hà Nội, quê nội ở Hà Tĩnh, quê ngoại ở Thái Bình, song khoảng cách chưa bao giờ khiến chúng tôi ngại dắt díu nhau về quê với sự háo hức và tinh thần chuẩn bị quanh năm.
Bây giờ cứ như thói quen, nếu dịp lễ hoặc hè không nghe mẹ nói chuyện về quê là các con đều chủ động hỏi và bày tỏ mong muốn được về. Tôi nghĩ chính quê hương đã bồi đắp tình yêu cho các con và khiến các con dù ở đâu cũng muốn trở về”.
“Mỗi lần về quê, chúng tôi đều dắt các con đến thắp hương trước khu mộ của tổ tiên. Lần nào các con cũng được nghe người lớn nói về kỷ niệm và niềm tự hào đối với thế hệ đi trước.
Đó không chỉ là câu chuyện về dòng họ, mà còn là những câu chuyện truyền thuyết về con Lạc cháu Hồng, về lịch sử và ý nghĩa của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hay những ngày lễ, tết lớn của dân tộc” – chị Trà cho hay.
Nhìn những đứa con đang tuổi tiểu học, vui vẻ theo ông bà đi chơi khắp xóm hay ngồi nghe bà kể chuyện hàng giờ thực sự là một hạnh phúc. Dẫu chưa đủ lớn để hiểu nhiều về những câu chuyện bà kể nhưng nhìn ánh mắt chăm chú và cả những câu hỏi xoay quanh câu chuyện của bà cũng phần nào hiểu niềm vui trong lòng con trẻ, cảm nhận được mạch nguồn thế hệ đang được trao truyền.