• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình liên kết quốc tế cần cách tiếp cận mới

Chương trình liên kết quốc tế đang dần mất sức hút...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.
 

Nếu như hơn 10 năm trước, chương trình liên kết quốc tế (LKQT) là một “đặc sản” của các trường đại học, thì những năm gần đây, các chương trình này đang dần mất sức hút.

Tuyển sinh chương trình LKQT tại nhiều trường liên tục không đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển bổ sung, mặc dù điểm trúng tuyển thấp nhất so với các chương trình trong nước. Nhiều trường đã buộc phải dừng tuyển sinh một số chương trình do không có người học như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Mở TPHCM…

Có nhiều nguyên nhân khiến các chương trình LKQT mất dần sức hút. Năng lực tiếng Anh của người học còn hạn chế là một rào cản. Để được cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (từ IELTS 5.5 trở lên với tiếng Anh), thế nhưng hiện nhiều thí sinh không đủ năng lực để đáp ứng. Theo một thống kê của Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, có đến 80% sinh viên đầu vào chưa đạt yêu cầu IELTS 5.5 để học chuyên ngành.

Sau khi Luật Giáo dục Đại học 2018 có hiệu lực, đề cao tính tự chủ, các trường ồ ạt tuyển sinh LKQT. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy trong hai năm 2019 – 2020, có từ 550 - 600 chương trình LKQT trên cả nước, con số tăng khủng so với 5 - 10 năm trước đó. Miếng bánh có hạn, thị phần chia nhỏ, tình hình tuyển sinh trở nên khó khăn hơn. Không chỉ bị chia sẻ bởi các chương trình cùng loại, chương trình LKQT còn bị cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều chương trình đào tạo khác trong nước như chất lượng cao, tiên tiến, tài năng, định hướng nghề nghiệp quốc tế...

 

Các chương trình này cũng dạy bằng tiếng Anh, nhưng có mức học phí thấp hơn LKQT, mà chất lượng đào tạo tương đương, một số còn được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, học phí du học ở một số trường công lập nước ngoài không phải quá đắt đỏ so với chi phí học LKQT trong nước.

Đáng chú ý, đảm bảo chất lượng đào tạo của các chương trình LKQT thời gian qua còn nhiều vấn đề, khiến phụ huynh và thí sinh ít nhiều mất niềm tin. Theo số liệu Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), đến nay có 62,71% chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài không được xếp hạng, đánh giá chất lượng, bị hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp…

Theo quy định pháp luật, cơ sở giáo dục đại học phải kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ. Tuy nhiên, hiện khá nhiều chương trình phải thuê mướn cơ sở vật chất để đào tạo, không đủ giảng viên. Nhiều trường liên kết với các chương trình của trường nước ngoài chất lượng còn thua một số chương trình trong nước.

 

Phát triển các chương trình LKQT góp phần thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam hội nhập, vì thế Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Nghị định 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT… là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, làm cơ sở cho các đơn vị giáo dục triển khai hoạt động LKQT. Hiện, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng Thông tư quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo trong liên kết đào tạo với nước ngoài.

Hành lang pháp lý dần hoàn thiện, để giữ được sức hút, các trường đại học buộc phải thay đổi cách tiếp cận đối với chương trình LKQT. Không phải ồ ạt mở chương trình để có những gạch đầu dòng phục vụ cho đánh giá, xếp hạng; cũng không phải chạy theo số lượng để làm thương hiệu, xây dựng các chương trình LKQT trong bối cảnh hiện nay cần phải có sự đổi mới về chất để giữ được giá trị “đặc sản”.

Song song với nâng chất các chương trình LKQT đào tạo trong nước, đã đến lúc các trường hướng đến liên kết đào tạo tổ chức tại nước ngoài, nâng tầm vị thế giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật