Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi ý định hướng phát triển Trường Đại học Giao thông Vận tải
Sáng 24/3, Trường Đại học Giao thông Vận tải kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải; đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương; đại diện Đại sứ quán Lào, Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam; cán bộ, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải các thời kỳ…
Trải qua 120 năm truyền thống và hơn nửa thế kỷ xây dựng, phát triển, với sự nỗ lực và phấn đấu của lớp lớp các thế hệ cán bộ, thầy và trò, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã và đang không ngừng phát triển, lớn mạnh về quy mô lẫn tầm vóc và là một trong những trường đại học kỹ thuật trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với số lượng ngành học và bậc học đa dạng, hiện Trường đang có hơn 1.000 viên chức, cán bộ, đào tạo trên 21.000 học viên, sinh viên. Những thành tựu trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là về khoa học kỹ thuật giao thông - vận tải đã đưa Trường vào nhóm 20 cơ sở giáo dục đại học có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng tới toàn thể Ban lãnh đạo, các thầy cô giáo, các nhà khoa học, cán bộ, người lao động, và các học viên, sinh viên qua nhiều thế hệ của Nhà trường. Bộ trưởng bày tỏ niềm tự hào to lớn của ngành Giáo dục về những thành tựu mà Trường Đại học Giao thông Vận tải đã xuất sắc đạt được trong 60 năm qua. Với những thành tựu và kết quả đã đạt được, cùng tiềm năng phát triển to lớn, Trường Đại học Giao thông Vận tải đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều triển vọng phía trước.
Bộ trưởng cho biết: Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã xác định ba đột phá chiến lược, mà hai trong ba đột phá chiến lược đó là “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông”. Trường Đại học Giao thông Vận tải vinh dự là một trường đại học có khả năng đóng góp quan trọng vào cả hai hướng đột phá chiến lược nêu trên.
Trong kế hoạch trung hạn và hàng năm, Chính phủ hiện cũng đang đặc biệt chú ý phát triển hạ tầng giao thông, lấy đó làm tiền đề, làm cú hích để gia tăng tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cả nước. Để phục vụ cho các nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông và vận tải, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh các nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ của Trường Đại học Giao thông Vận tải có ý nghĩa quan trọng.
“Đó không chỉ là trách nhiệm luôn cần có của một trường đại học đối với xã hội mà còn là sứ mệnh vinh quang của Trường Đại học Giao thông Vận tải đối với đất nước và nhân dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới, ngành Giáo dục đã xác định đối với giáo dục đại học là tập trung đầu tư mạnh mẽ cho các ngành, các trường tiên phong, mũi nhọn về khoa học công nghệ. Trong đó, ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo thuộc khối kỹ thuật và công nghệ, tập trung phát triển về số lượng và chất lượng một số nhóm ngành và ngành từ bậc cử nhân, kỹ sư tới sau đại học.
Theo Bộ trưởng, các định hướng và quyết sách đổi mới và phát triển của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục vừa là nhiệm vụ, đồng thời cũng là cơ hội lớn để Trường Đại học Giao thông Vận tải bám sát, xác định đường hướng phát triển, bứt phá và vươn tầm trong thời gian tới.
Cùng với những thuận lợi về thương hiệu, truyền thống, về các điều kiện đang có, và các cơ hội phát triển, nhiều thách thức lớn cũng đang đặt ra đối với Nhà trường. Trong đó, phải kể tới thách thức về sự vượt lên chính mình để không ngừng đổi mới và phát triển, đó là yêu cầu ngày càng cao của kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực giao thông và vận tải.
Nêu nhận định trên, Bộ trưởng cho rằng: Thế giới ngày càng phát triển nên giảng viên và sinh viên phải chủ động bắt nhịp với sự phát triển, đặc biệt là đổi mới trong kỹ thuật và công nghệ. Đó là thách thức của việc hiện đại hóa cơ sở vật chất trang thiết bị, xây dựng cơ sở mới khang trang hơn đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đó là yêu cầu xây dựng một đại học thông minh, đại học số trong thời kỳ tự chủ đại học toàn diện.
Trên cơ sở tiếp tục phát huy thế mạnh đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là giao thông - vận tải, trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý Trường Đại học Giao thông vận tải cần tập trung các định hướng lớn sau:
Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng của đơn vị, thực hiện tự chủ đại học đầy đủ, có chiều sâu; phát huy vai trò của các nhà khoa học, của đội ngũ giảng viên trong việc xác lập các quy định nội bộ, thực hiện quyền dân chủ và phát huy khối đoàn kết toàn đơn vị.
Xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ giỏi của đơn vị, coi đó là tài sản lớn nhất, tài sản lâu dài, tạo ra các giá trị gia tăng cho đơn vị và chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Xác định việc phát triển và hiện đại hóa giao thông vận tải đất nước là việc lâu dài, việc thường xuyên và luôn nhiều thách thức về kỹ thuật, công nghệ, đồng thời đây cũng là điều kiện tốt để chúng ta thi thố tài năng. Đất nước địa hình chia cắt, sông suối nhiều, đồi núi hiểm trở, biến đổi khí hậu và thiên tai nhiều, đó là nguồn đầu bài rộng lớn không giới hạn cho sáng tạo, và là điều kiện để nhà trường khẳng định trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia của mình.
Các nghiên cứu khoa học đem lại các bài công bố quốc tế là việc rất tốt và cần làm, nhưng cần coi đó là công cụ để chúng ta hội nhập quốc tế về học thuật, về trình độ khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn hơn là mục đích tự thân, hoặc chỉ nhằm nâng cao chỉ số xếp hạng. Chủ động xây dựng và đề xuất các đề tài nghiên cứu, chương trình, dự án lớn, có tầm vóc quốc gia để tham gia tích cực vào công cuộc phát triển hạ tầng giao thông của đất nước.
Về đào tạo, cần dự báo sát nhu cầu nhân lực lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, trong đó có giao thông - vận tải để có được chiến lược quy hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo cho phù hợp. Tăng cường các điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường điều kiện kỹ thuật phục vụ đào tạo, thực hành, thí nghiệp, lấy tiến bộ khoa học kĩ thuật và nhu cầu của thực tiễn làm cơ sở đổi mới hoạt động giảng dạy, hỗ trợ người học và nâng cao chất lượng đào tạo.
Tích cực phối hợp, hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu trong nước và quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu tiên tiến, hiện đại. Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương để phát huy tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị thế và uy tín của Nhà trường về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ giao thông - vận tải, không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và trên thế giới.
Triển khai thực hiện tốt các đề án, dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở hạ tầng đã được nhà nước cấp vốn, đảm bảo tiến độ và chất lượng, hiệu quả.
“Rất nhiều công việc cần làm phía trước để có thể bảo đảm cho Trường Đại học Giao thông Vận tải giữ vững vị trí cũng như nâng tầm xếp hạng trong nước và quốc tế.
Tôi tin tưởng rằng với cơ hội rộng mở, với truyền thống xây dựng và phát triển lâu dài rất đỗi tự hào, với kinh nghiệm phong phú đã có, với quyết tâm của Ban lãnh đạo, tập thể các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các cán bộ và các học viên, sinh viên, chắc chắn Trường Đại học Giao thông Vận tải sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, của ngành Giáo dục và nhân dân cả nước” - Bộ trưởng bày tỏ.
Tại buổi lễ, Trường Đại học Giao thông Vận tải vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Long và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Việt được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Khoa Khoa học cơ bản và 3 cá nhân nhà trường được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Dịp này, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội cũng công bố và trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cho Trường Đại học Giao thông Vận tải.