"Điểm sàn" nhóm ngành sức khỏe phù hợp với hoàn cảnh thực tế
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành Sức khỏe có chứng chỉ hành nghề năm 2022 ổn định như năm 2021. Quyết định này nhận được sự đồng thuận cao của các cơ sở giáo dục đại học.
Điều kiện tốt để các trường đại học xét tuyển
Ngày 29/7, Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành Sức khỏe có chứng chỉ hành nghề năm 2022 ổn định như năm 2021. Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Y khoa và Răng hàm mặt là 22 điểm, ngành Dược học và Y học cổ truyền là 21 điểm; Ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành Sức khỏe gồm: Điều dưỡng, y dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật phục hình răng là 19 điểm. |
TS Vũ Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho hay, qua báo cáo của Bộ GD&ĐT và tìm hiểu của nhà trường cho thấy, công tác xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề năm nay khá phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, khóa học sinh tốt nghiệp năm 2022 phải chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng một phần đến chất lượng học tập của các em. Tuy nhiên, cấu trúc và nội dung đề thi tốt nghiệp THPT phù hợp đã cho ra một phổ điểm phân bố chuẩn, đây là điều kiện rất tốt để các trường đại học xét tuyển.
Các em học sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng cần lưu ý đăng ký nguyện vọng đầu tiên phải là ngành/trường mình yêu thích và muốn học nhất căn cứ vào điểm sàn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Theo đề án tuyển sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định năm nay xác định hơn 900 chỉ tiêu phân bổ cho 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả điểm học bạ và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các em học sinh có nguyện vọng học tập tại trường, nếu đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì cần có điểm thi cao hơn điểm sàn và phải đặt nguyện vọng vào trường là nguyện vọng cao nhất.
PGS. TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Hà Nội đánh giá cao kết quả thảo luận để đưa ra kết luận ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khoẻ cấp chứng chỉ hành nghề.
Quyết định được đưa ra dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn. Bao gồm phân tích tổng điểm của các môn Toán, Hóa, Sinh thuộc tổ hợp B00 và so sánh với kết quả các năm 2020, 2021; Phân tích đánh giá mức độ khó, mức độ phân hóa của các môn Toán, Hoá, Sinh 2022 so với các năm 2020, 2021; Xét đến các điều kiện tổ chức học tập của bậc phổ thông, nhất là trong thời kỳ bị dịch bệnh ảnh hưởng liên tục từ năm 2019 đến nay.
Trên cơ sở tổng chỉ tiêu của các trường có đào tạo ngành sức khoẻ, cả công lập và ngoài công lập, chúng tôi cho rằng mức điểm này là phù hợp. Một là đảm bảo được chất lượng để các em có thể theo đuổi, học được các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ mà không ảnh hưởng đến việc đáp ứng các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Hai là đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và yêu cầu đổi mới của chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng sức khoẻ người dân và nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế của đất nước trong thời gian tới, tầm nhìn đến năm 2025-2030.
Cần thận trọng sắp xếp nguyện vọng cho phù hợp
Trường Đại học Y Hà Nội xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo của nhà trường tương tự như năm 2020, ổn định xu hướng đến năm 2025 bao gồm cả ngành đạo tạo và tổng quy mô đào tạo.
“Chúng tôi áp dụng 5 phương thức theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT. Đề án tuyển sinh của trường đã nói rất rõ, khi các phương thức tuyển thẳng không tuyển đủ chỉ tiêu thì chúng tôi sẽ chuyển chỉ tiêu này để xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT”, PGS. TS Lê Đình Tùng thông tin, đồng thời tư vấn:
Các em điểm cao cứ mạnh dạn lựa chọn, đăng ký vào trường trên cơ sở tổng điểm 3 môn Toán, Hoá, Sinh; Đối với những ngành thấp hơn ở ngưỡng điểm trên 26 điểm hoặc trên 23 điểm thì cần thận trọng sắp xếp nguyện vọng cho phù hợp.
Do số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đại học cao hơn năm 2021, để tránh quá tải hệ thống, sau khi tìm hiểu, các em nên suy nghĩ và đăng kí nguyện vọng sớm, không nên để dồn vào những ngày cuối cùng.
Theo PGS. TS Lê Đình Tùng, đây là thời điểm để lựa chọn những người phù hợp, cam kết theo đuổi ngành nghề và thực sự yêu thích ngành nghề này, vì mục đích nâng cao sức khoẻ, tầm vóc của người Việt nói riêng, của sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ người dân nói chung.
Ngành chăm sóc sức khoẻ là ngành đặc biệt, tuyển dụng đặc biệt, đào tạo đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt và chính những đặc biệt ấy đòi hỏi những người đảm bảo cơ bản về kiến thức để có thể theo đuổi được ngành nghề này.
“Chúng tôi vẫn mong các em có kết quả học tập THPT xuất sắc và có đam mê, ý thức trách nhiệm với sức khoẻ người dân - sẽ mạnh dạn theo đuổi ngành nghề này. Ngành nghề nào cũng vất vả và để trở thành xuất sắc thì không có lao động bình thường mà xuất sắc được”, PGS. TS Lê Đình Tùng nhấn mạnh.