• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Y tế Quảng Ninh thiếu hụt bác sĩ và chuyên gia giỏi

 Theo báo cáo ngành Y tế Quảng Ninh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực bác sĩ và các chuyên gia giỏi. Số lượng bác sĩ xin nghỉ việc ở các cơ sở y tế tăng cao, nhiều bệnh viện lớn, đặc thù của tỉnh không tuyển dụng được nhân lực vào làm việc.

Mới đây, theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, trong 3 năm từ 2019 đến 2022, đã có 250 bác sĩ nghỉ việc. Ngành Y tế Quảng Ninh đang trong tình cảnh thiếu hụt về nhân lực.

Hàng loạt bệnh viên thiếu nhân lực trầm trọng

Những năm qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu được những thành quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, được các cấp, ngành và người dân ghi nhận.

Tuy nhiên, hiện nay y tế Quảng Ninh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, bác sĩ và chuyên gia giỏi.

Trong những năm gần đây, số lượng bác sĩ xin nghỉ việc nhiều ở tất cả các đơn vị y tế, kể cả các đơn vị tuyến tỉnh. Chỉ từ năm 2019 đến 2022, tỉnh đã có 250 bác sĩ nghỉ việc; Riêng năm 2022 có 71 bác sĩ nghỉ, thôi việc, chuyển công tác, không làm việc trong hệ thống y tế công lập tỉnh Quảng Ninh.

Các đơn vị tuyến tỉnh có thể tuyển dụng mới bác sĩ để bổ sung thay thế nhưng các Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trạm Y tế tuyến xã khó "giữ chân" nhân lực và vẫn tiếp tục có bác sĩ bỏ việc, thôi việc.

Trong 3 năm có hơn 250 bác sĩ tại các bệnh viện xin nghỉ việc.

Trong 3 năm 2019-2022, có 250 bác sĩ tại các bệnh viện của Quảng Ninh xin nghỉ việc

Đại diện Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, cho biết, đơn vị dự kiến thiếu trên 50 bác sĩ sau khi hoàn thành nâng quy mô từ 200 lên 330 giường bệnh (dự kiến vào tháng 10/2023).

Ngoài ra, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe Tâm thần trong thời gian dài không tuyển dụng được bác sĩ chính quy; Nhân lực chủ yếu là bác sĩ chuyên tu nên năng lực chuyên môn, chuyên sâu còn hạn chế trong khi mô hình bệnh tật lĩnh vực tâm lý, tâm thần ngày càng gia tăng.

Trung tâm Pháp y có môi trường làm việc rất đặc biệt (liên quan đến giải phẫu tử thi, cán bộ chuyên môn y tế đi công tác đột xuất theo vụ việc, vụ án không kể ngày đêm...) nên nhiều năm nay không thể tuyển dụng được bác sĩ.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh nhiều năm không có bác sĩ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Không chỉ thế, y tế Quảng Ninh cũng thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành ở nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, các đơn vị y tế tuyến cuối tuy đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu nhưng cũng đang thiếu nhiều bác sĩ chuyên gia đầu ngành (chuyên khoa II, tiến sĩ) ở nhiều lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới như: Huyết học lâm sàng (trong điều trị bệnh lý về máu); Nội thận (trong triển khai kỹ thuật ghép thận); Hồi sức tích cực và chăm sóc giảm nhẹ (trong điều trị phát triển chuyên khoa sâu về ung bướu); Vi sinh (trong phát triển chuyên môn về giải trình gen, phát hiện sớm ung thư); Ngoại lồng ngực (trong phát triển điều trị ngoại khoa các bệnh lý vùng lồng ngực như: U phổi, u trung thất, các bệnh lý khác trong lồng ngực...).

Đồng thời, sự phân bố bác sĩ hiện có của ngành Y tế không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh và các tuyến. Hầu hết số bác sĩ đều tập trung tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh hoặc khu vực thành thị có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Tính đến ngày 30/11/2022, trong tổng số 1.986 bác sĩ trên toàn tỉnh, có tới 51% bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh (tập trung tại TP Hạ Long và Uông Bí), 35,2% bác sĩ làm việc tại các đơn vị y tế tuyến huyện; Chỉ có 7,5% bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã.

Hiện tỉnh còn 35/177 trạm y tế xã, trong đó có nhiều xã miền núi, hải đảo như: Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen, Hoành Mô, Đạp Thanh... chưa có bác sĩ làm việc.

Dự báo trong thời gian tới, tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực bác sĩ giữa vùng miền và giữa các tuyến trong hệ thống y tế Quảng Ninh sẽ trở lên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, số lượng bác sĩ tuyến y tế cơ sở sẽ giảm mạnh do bác sĩ ở Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trạm Y tế tuyến xã nghỉ hưu trong giai đoạn 2023 - 2025 khá lớn trong khi tuyển dụng mới bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn và tình trạng bác sĩ nghỉ thôi việc vẫn có thể chưa dừng lại.

Xây dựng cơ chế giữ chân nhân tài cho ngành Y tế

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đến năm 2025 cần đạt >15,8 bác sỹ/10.000 dân. Do đó, ngành Y tế Quảng Ninh cần sớm bổ sung 295 bác sĩ so với hiện nay để bù đắp số còn thiếu (đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở) và bù đắp số sẽ nghỉ hưu theo chế độ đến 2025.

Trong khi đó, việc tuyển dụng nhân lực y tế đang gặp khó khăn do nguồn cung hạn chế bởi chỉ tiêu tuyển sinh hầu như không tăng trong nhiều năm; Điểm tuyển sinh đầu vào đào tạo bác sĩ rất cao, luôn thuộc nhóm có điểm cao nhất về tuyển sinh hàng năm của các trường đại học trong cả nước; Thời gian đào tạo dài (6 năm), chi phí lớn...

Đồng thời, đây cũng là ngành làm việc có điều kiện (sau khi tốt nghiệp, bác sĩ phải thực hành chuyên môn 18 tháng tại cơ sở y tế mới đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề); Liên tục phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong nhiều năm tiếp theo, nhưng tiền lương của bác sĩ vẫn theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và thu nhập không có sự khác biệt so với các ngành nghề khác và nguy cơ rủi ro trong công việc cao.

Mặt khác, cơ chế chính sách tiền lương của nhà nước đối với ngành y tế có nhiều bất cập và chưa phù hợp. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong khám chữa bệnh đang tồn tại nhiều bất cập; Quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế có sự chồng chéo trong văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành liên quan...

Quảng Ninh cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài trong lĩnh vực Y tế

Quảng Ninh cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài trong lĩnh vực y tế

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19 nên nguồn thu giảm khiến nhiều đơn vị y tế càng thiếu hoặc không có nguồn tài chính để thực hiện thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân lực bác sĩ. Trong các đơn vị công, cơ hội phát triển bản thân gặp khó khăn, đặc biệt là việc cử đi đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn và công tác bổ nhiệm vị trí lãnh đạo quản lý. Cơ chế thị trường đối với nguồn nhân lực y tế trong đó có nhân lực bác sĩ đã gây ra tình trạng "chảy máu" ra khu vực y tế tư nhân.

Để giải quyết bài toán nhân lực ngành Y tế, tỉnh cần phải có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để tăng sức hấp dẫn của các cơ sở y tế công lập về chế độ tiền lương, đãi ngộ, môi trường làm việc... như vậy mới khắc phục nguyên nhân cơ bản, chủ yếu khiến cho bác sĩ, nhân viên y tế không muốn gắn bó làm việc tại đơn vị y tế công lập, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và một số đơn vị y tế chuyên ngành đặc thù.

Được biết, hiện tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng chính sách đặc thù nhằm thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đặc thù nhằm "giữ chân" đội ngũ nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực bác sĩ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, tỉnh cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những bất cập trong cơ chế chính sách tiền lương của nhà nước đối với ngành Y tế; Khắc phục những bất cập, chồng chéo trong văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành liên quan về quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan