Siêu âm bụng phát hiện nhiều người trẻ mỡ phủ trắng gan, nguyên nhân vì đâu?
Gần đây, tỷ lệ “gan tăng sáng hay mỡ phủ trắng gan” ngày càng gia tăng, đặc biệt là người trẻ. Vậy nguyên nhân vì đâu?
Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?
Cụm từ “gan tăng sáng” hay “mỡ phủ trắng gan" dùng để chỉ hình ảnh siêu âm về bệnh lý gan nhiễm mỡ. Bình thường, mỡ trong gan chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với trọng lượng gan nhưng do quá trình ăn uống, sinh hoạt không khoa học hoặc do các rối loạn chuyển hóa khác dẫn đến sự tích tụ nhiều mỡ trong tế bào gan gây ra bệnh lý gan nhiễm mỡ.
Gan là lá tạng lớn trong cơ thể người và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như: chuyển hoá các chất, điều hòa nồng độ đường, xử lý độc chất, sản xuất các men mật hỗ trợ tiêu hoá,... Việc tích tụ quá nhiều mỡ trong gan hay gan nhiễm mỡ sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, nặng hơn là tổn thương tế bào gan, viêm gan, suy gan hay xơ gan không hồi phục.
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ là từ thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng thừa chất béo, hấp thu quá nhiều đường, uống nhiều rượu bia, thói quen ngồi nhiều, ít vận động, căng thẳng, thậm chí có thể do di truyền nếu trong gia đình có người bị béo phì...
Hiện nay, việc điều trị gan nhiễm mỡ vẫn đang là một thách thức lớn đối với y học do chưa có thuốc nào có khả năng điều trị đặc hiệu bệnh. Điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu vẫn là giảm cân bằng chế độ ăn ít calo, hạn chế chất béo bão hòa, tinh bột và đường, đồng thời cải thiện kiểu mẫu dinh dưỡng và tập thể dục.
Phòng ngừa gan nhiễm mỡ như thế nào
Thông thường, người mắc gan nhiễm mỡ thường không có biểu hiện nào để nhận biết bệnh, do đó việc chủ động áp dụng các phương pháp phòng ngừa gan nhiễm mỡ sớm là cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình hữu hiệu. Một số phương pháp phòng ngừa gan nhiễm mỡ hiệu quả bạn có thể áp dụng như:
Cần hạn chế mỡ động vật, nội tạng, thịt đỏ thay vào đó nên dùng các loại dầu từ thực vật, từ hạt và các sản phẩm từ cá, nhất là cá hồi bởi chúng cung cấp protein ít chất béo, giàu axit omega – 3, rất tốt cho sức khỏe khi giúp giảm nồng độ cholesterol, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ và ung thư.
Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân đang có gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ.
Tăng cường luyện tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, tránh lối sống thụ động, chú ý cân nặng (chỉ số BMI < 25 Kg/m2) và cần giảm cân từ từ nếu thừa cân.
Cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc, khi sử dụng cần phải tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa gan.
Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, trong đó cần có kiểm tra sức khoẻ và chức năng gan. Việc phát hiện sớm tình trạng gan nhiễm mỡ rất quan trọng.Chúng giúp ích rất nhiều cho việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.