• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phương pháp ngăn virus dại xâm nhập não

Virus dại lan truyền theo dây thần kinh, đi từ từ về hệ thần kinh trung ương, tủy sống và lên não. Khi một người bị chó, mèo dại cắn, cách duy nhất để ngăn virus di chuyển lên não là tiêm vắc-xin. Khi đó, cơ thể sẽ tạo miễn dịch chống lại virus.

 

Sau khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm vắc-xin hoặc huyết thanh kháng dại trước khi virus nhân lên trong cơ thể.

Sau khi bị chó, mèo cắn, người dân cần tiêm vắc-xin hoặc huyết thanh kháng dại trước khi virus nhân lên trong cơ thể.
 

“Lấy nọc” - phương pháp không tác dụng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, tới nay, bệnh dại không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi súc vật dại cắn người, virus sẽ lây qua đường máu hoặc da. Virus dại thường ở trong nước miếng của vật nuôi mắc bệnh.

Virus có thể tấn công qua vết cắn, hoặc vết trầy xước. Trong 7 ngày đầu sau khi bị cắn, người dân có thể tiêm huyết thanh kháng dại. Bởi, huyết thanh có tác dụng trước khi vắc-xin tạo miễn dịch.

Tuy nhiên, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, người dân cần tiêm vắc-xin hoặc huyết thanh kháng dại trước khi virus dại nhân lên trong cơ thể. Khi đó, việc tiêm vắc-xin hoặc huyết thanh sẽ giúp ngăn virus nhân lên.

Song, huyết thanh có giá trị tạm thời, trong khi vắc-xin mang lại hiệu quả kéo dài. Vì vậy, người dân cần tiêm nhắc đủ mũi, đúng lịch để vắc-xin có tác dụng. Trong trường hợp chưa hoàn thành các mũi tiêm vắc-xin, nếu tiếp tục bị động vật cắn, phác đồ chủng ngừa vẫn không thay đổi.

Đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng các phương pháp dân gian để chữa bệnh dại. Tại Nghệ An, bé trai 7 tuổi sau khi bị chó cắn được thầy lang bốc thuốc nam cho uống.

Sau 2 tháng, bé phát bệnh dại và tử vong. Một trường hợp khác là bé trai 5 tuổi ở Cà Mau bị chó cắn vào mặt. Bé được đưa đến thầy lang để “lấy nọc”. Sau một tháng điều trị theo cách này, bé lên cơn dại và không qua khỏi.

Bác sĩ Khanh cho biết, nhiều người ngộ nhận rằng, khi bị rắn hay chó cắn, việc cần làm là hút nọc. “Tuy nhiên, thực tế, khi virus đã xâm nhập, biện pháp hút nọc không có tác dụng. Việc nặn máu sẽ không có giá trị gì. Virus khi vào máu sẽ xâm nhập rất nhanh”, chuyên gia cảnh báo.

Có thể tiêm dự phòng trước khi bị cắn

 

Theo Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Những năm 1990 - 1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân. Trung bình mỗi năm có 350 - 500 ca tử vong do bệnh dại. Năm 1996, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 92 về tăng cường phòng chống bệnh dại. Các biện pháp phòng chống bệnh dại đã được tăng cường và kết hợp nên số ca tử vong từ năm 1996 - 2007 đã giảm 75% so với năm 1995. Từ năm 2004 đến nay, bệnh dại có chiều hướng tăng, tập trung tại một số tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Tây, Gia Lai, Bến Tre, Bình Thuận.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Thị Trúc Phương - Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC - giải thích, thời gian ủ bệnh dại phụ thuộc vào vết cắn sâu hay nông, vị trí cắn có gần đầu mút thần kinh không. Nếu vị trí cắn gần đầu mút thần kinh, virus sẽ xâm nhập vào não rất nhanh.

“Bệnh dại xuất hiện quanh năm. Tuy nhiên, theo thống kê từ tháng 5 - 8, thời gian số ca mắc bệnh dại tăng cao. Nguyên nhân có thể do trẻ nghỉ hè, có nhiều thời gian chơi đùa với động vật. Vì vậy, điều quan trọng là người dân nên tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo.

Khi dắt chó, mèo ra đường, nên giọ mõm. Với người, sau khi bị chó, mèo cắn, bên cạnh xử lý vết thương, nên tiêm vắc-xin. Nhóm nguy cơ như nhân viên, bác sĩ thú ý, người làm nghề tiếp xúc với súc vật, thường xuyên đến nơi lưu hành bệnh dại, có thể tiêm vắc-xin dự phòng trước khi bị động vật cắn”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Bác sĩ Trương Trọng Tuấn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - cho biết, ngay sau khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch. Hoặc có thể mua nước muối sinh lý, sau đó rửa bằng xà phòng hay cồn 70 độ. Sau đó, băng cầm máu và tới cơ sở y tế gần nhất.

Chuyên gia giải thích, virus dại lan truyền theo dây thần kinh, đi từ từ về hệ thần kinh trung ương, tủy sống và lên não. Khi một người bị chó, mèo dại cắn, cách duy nhất để ngăn virus di chuyển lên não là tiêm vắc-xin. Khi đó, cơ thể sẽ tạo miễn dịch chống lại virus.

Miễn dịch sẽ ngăn virus tiến đến hệ thần kinh trung ương. Trong trường hợp người bị cắn chần chừ, không tiêm vắc-xin dại, khi virus xâm nhập hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân sẽ tử vong.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại. Có khoảng 60.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại. Phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới - nơi có 3/4 dân số thế giới sinh sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan