Người Việt đưa bào tử lợi khuẩn ra thế giới và lý do trở về dồn lực cho thị trường Việt
Việc sản phẩm bào tử lợi khuẩn LiveSpo có được sự công nhận nhất định từ thị trường nước ngoài nhưng lại chưa thuyết phục được đông đảo người tiêu dùng trong nước là trăn trở lớn của TS. Nguyễn Hòa Anh. Tháng 7/2021, Mekong Capital rót 8,8 triệu USD vào LiveSpo, tạo bàn đạp để đưa sản phẩm của LiveSpo đến gần hơn với đông đảo người tiêu dùng Việt Nam.
Nhà khoa học bước ra thương trường
Sang Nhật năm 1995 để học thạc sĩ rồi tiến sĩ, ông Nguyễn Hòa Anh - “cha đẻ” của công nghệ bào tử lợi khuẩn LiveSpo - khởi đầu với các nghiên cứu chuyên sâu về lợi khuẩn cho thực vật và có những thành công nhất định trong các nghiên cứu cơ bản. Thế nhưng, hành trình nghiên cứu của vị tiến sĩ này không bằng phẳng khi dần phải từ bỏ hướng nghiên cứu trên bởi nhận ra những hạn chế của lợi khuẩn thông thường.
“Khi làm việc tại phòng nghiên cứu, tôi có thử nghiệm lợi khuẩn ở các vườn thực vật và cho kết quả rất tốt. Viễn cảnh biến công nghệ đó trở thành thương phẩm và bán rộng rãi hiện ra trong đầu tôi. Thế nhưng tôi đã vỡ mộng khi chỉ sau vài tuần, sản phẩm lợi khuẩn đã mất đi tới 90% hoạt tính. Đó là đặc điểm phổ biến của lợi khuẩn thông thường. Điều này khiến tôi chuyển sang nghiên cứu ở các mảng khác mang tính hàn lâm hơn”, TS. Hòa Anh kể lại.
Sau 15 năm làm việc và giảng dạy ở Nhật, ông Hòa Anh về Việt Nam và tiếp tục làm công tác nghiên cứu tại trường Khoa học Tự nhiên. Cơ duyên trở lại với ngành men vi sinh đến với ông từ đây.
“Có một vị giáo sư người Anh thời điểm đó đang chủ trì dự án bên châu Âu nghiên cứu về bào tử lợi khuẩn đến Việt Nam. Nghiên cứu này lúc đó chỉ mang tính lý thuyết và thử nghiệm, chưa đi đến được khâu vận hành thương mại do còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp rất lớn đã tìm đến trường đại học nơi ông làm việc để mua công nghệ này nhưng trường không muốn bán bởi rất lo ngại về thực trạng các doanh nghiệp mua công nghệ không phải là để phát triển sản phẩm ở quy mô công nghiệp, phục vụ thị trường, mà là để triệt tiêu cạnh tranh từ trong “trứng nước” với giá rẻ”, TS. Hòa Anh nói.
Nhìn thấy cơ hội, vị tiến sĩ người Việt đề nghị mua bản quyền sử dụng chủng lợi khuẩn trên, với điều kiện là chứng minh được với vị giáo sư người Anh rằng có thể phát triển sản phẩm để sản xuất ở quy mô công nghiệp.
“Sau khoảng 2 tháng, chúng tôi gặp lại nhau và tôi đưa cho ông ấy mẫu sản phẩm mà tôi phát triển được. Một vài tuần sau đó, tôi nhận được lời đồng ý bán bản quyền sản phẩm. Việc sản xuất được số lượng bào tử lợi khuẩn rất lớn đã chứng tỏ được với họ rằng tôi đã sở hữu công nghệ để có thể sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp”, TS. Nguyễn Hòa Anh chia sẻ.
Có công nghệ trong tay, nhà khoa học Việt nghĩ mình sắp “giàu to”, bởi tiềm năng của bào tử lợi khuẩn lớn hơn rất nhiều so với các sản phẩm lợi khuẩn phổ biến trên thế giới. Theo ông Hòa Anh, cho đến trước khi mọi người nói nhiều về bào tử lợi khuẩn, người ta vẫn coi lợi khuẩn là sản phẩm có công dụng không rõ rệt do phần lớn lợi khuẩn chết đi khi xuống tới đường ruột.
Cũng giống như không ai sử dụng sữa chua để chữa bệnh, người dùng không trực tiếp cảm nhận được các tác dụng của sản phẩm lợi khuẩn mà chỉ có thể nhận biết qua các nghiên cứu khoa học với số lượng lớn. Nhược điểm này được khắc phục bởi công nghệ bào tử lợi khuẩn khi lợi khuẩn được bảo vệ bởi một lớp vỏ bằng chất sừng, chịu được nhiệt độ cao và môi trường axit của dạ dày, đi đến ruột và “nảy mầm” thành lợi khuẩn.
“Tôi nghĩ rằng chỉ một thời gian ngắn nữa, tất cả doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ đến mua nguyên liệu từ tôi và tôi sẽ giàu to. Thế nhưng khi thực sự bước chân ra thị trường, không ai mua sản phẩm của tôi cả. Tư duy của nhà khoa học là chỉ cần sản phẩm tốt là trong “tích tắc”, tất cả mọi người sẽ hiểu được nó tốt thế nào và lao vào mua sản phẩm. Nhưng không phải vậy. Không phải cứ có sản phẩm tốt là đương nhiên sẽ thành công. Thói quen của người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định”, vị tiến sĩ chiêm nghiệm.
Hành trình bước ra thương trường của nhà khoa học Nguyễn Hòa Anh rốt cuộc vẫn dựa vào năng lực khoa học. Ông tìm đến các hội thảo khoa học quốc tế, tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài và thuyết phục họ. “Tôi thấy rằng việc thuyết phục khách hàng nước ngoài dễ dàng hơn trong nước. Cuối cùng, sản phẩm của chúng tôi lại phần lớn bán ra nước ngoài thông qua các nhà phân phối trực tiếp hoặc thông qua Amazon.com. Cho đến năm 2017 – 2018, doanh số xuất khẩu của chúng tôi chiếm đến 70-80% tổng doanh số”, ông Hòa Anh cho hay.
“Muốn bùng nổ trên toàn cầu thì đầu tiên phải làm tốt ở trong nước”
Việc sản phẩm bào tử lợi khuẩn LiveSpo có được sự công nhận nhất định từ thị trường nước ngoài nhưng lại chưa thuyết phục được đông đảo người tiêu dùng trong nước là trăn trở lớn của TS. Nguyễn Hòa Anh. Ông cùng với 2 cộng sự là đối tác phân phối trong nước của sản phẩm LiveSpo thành lập Công ty LiveSpo Pharma với mục tiêu đưa bào từ lợi khuẩn LiveSpo trở thành sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng rộng rãi, bên cạnh hoạt động xuất khẩu vốn đã gây dựng được nền tảng cơ bản.
Nói về quyết định tập trung vào thị trường nội địa, TS. Nguyễn Hòa Anh, Chủ tịch LiveSpo Pharma, nhấn mạnh: “Nếu muốn bùng nổ trên toàn cầu thì đầu tiên phải làm tốt ở nước sở tại. Nếu như chỉ bán ở nước ngoài thì thông điệp chưa đủ mạnh”.
Thêm vào đó, theo ông Hòa Anh, hiện nay, tư duy và kiến thức của người tiêu dùng trong nước cũng như giới bác sĩ, giới khoa học đã cởi mở hơn trước rất nhiều. Dần dần, mọi người đã chấp nhận công dụng mạnh, rõ rệt của bào tử lợi khuẩn, thay vì công dụng mờ nhạt của lợi khuẩn thông thường.
“Trong quá trình phát triển, có rất nhiều cám dỗ khác, rất nhiều sản phẩm thấy “ngon ăn” nhưng tôi vẫn kiên định với bào tử lợi khuẩn. Có lẽ LiveSpo Pharma là công ty duy nhất chỉ tập trung vào bào tử lợi khuẩn. Khoa học là điểm mạnh gốc rễ của LiveSpo”, TS. Nguyễn Hòa Anh nói.
Chia sẻ thêm về câu chuyện tiếp cận thị trường, ông Đặng Quốc Hưng, Tổng giám đốc LiveSpo Pharma, một lần nữa nhấn mạnh rằng từ trước đến nay, LiveSpo chỉ kiên định với bào tử lợi khuẩn và “không chứng minh được trong nước nên LiveSpo phải chứng minh ở xứ người”.
“Việt Nam là thị trường có dân số 100 triệu người với thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện. Đây rõ ràng là một thị trường rất lớn. Tuy nhiên, trước đây, ngành dược trong nước nói chung và các bác sĩ nói riêng không tin rằng các sản phẩm men vi sinh có thể có dược tính. Thêm vào đó, các nhà phân phối trong nước phần lớn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, đây là mong muốn chính đáng nhưng đã tạo ra rào cản lớn trong việc phân phối sản phẩm LiveSpo đến người tiêu dùng. Do đó, LiveSpo phải đi hướng đi phi truyền thống, đó là tiếp cận người tiêu dùng trước để tạo nhu cầu cũng như giải quyết rào cản về nhận thức, sau đó mới tìm đến các kênh bệnh viện, quầy bán lẻ thuốc”, ông Hưng nói.
Hiện nay, theo ông Hưng, tình hình đã thuận lợi hơn. Các bác sĩ đã mạnh dạn sử dụng sản phẩm bào tử lợi khuẩn trong khi người tiêu dùng trong nước cũng có xu hướng tìm đến các sản phẩm điều trị bệnh không kháng sinh.
Tiềm năng thương mại của các sản phẩm điều trị bệnh không sử dụng chất kháng sinh là rất lớn. Cho đến nay, hầu hết mọi người khi nghe tới lợi khuẩn là nghĩ đến đường tiêu hóa, bởi gốc gác phát hiện ra lợi khuẩn là ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, lợi khuẩn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đường hô hấp và có thể sản xuất được.
Theo ước tính của lãnh đạo LiveSpo, việc sử dụng kháng sinh cho đường tiêu hóa hiện nay chỉ chiếm khoảng 20%, hơn 70% còn lại chủ yếu sử dụng cho đường hô hấp, tức là gấp tới 3 lần đường tiêu hóa, đồng nghĩa các sản phẩm lợi khuẩn cho đường hô hấp có tiềm năng thương mại lớn gấp 3 lần cho đường tiêu hóa. Đây cũng là một trong những lý do LiveSpo quay trở lại tập trung phát triển thị trường nội địa.
“Tôi nghĩ đến tương lai không kháng sinh, bởi tôi cho rằng bào tử lợi khuẩn không chỉ có năng lực thay thế được kháng sinh mà còn có tác dụng phòng ngừa bệnh để người dùng không phải dùng đến kháng sinh. Sứ mệnh của LiveSpo là xây dựng một tương lai không kháng sinh. Ban đầu, tôi nghĩ sứ mệnh này sẽ được hiện thực hóa rất nhanh nhưng chỉ sau vài tháng bắt tay vào hiện thực hóa, tôi lại cho rằng công cuộc này sẽ rất lâu, có thể mất hàng trăm năm. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi càng ngày càng thấy tương lai đó gần hơn”, nhà sáng lập LiveSpo Pharma Nguyễn Hòa Anh bày tỏ.
Cơ duyên hợp tác với Mekong Capital “Trong hình dung của tôi về các đối tác có thể giúp sản phẩm của LiveSpo ra thế giới, cái tên đầu tiên hiện ra là Mekong Capital. Có lẽ điều này được truyền cảm hứng bởi sự thành công của các công ty mà Mekong Capital đầu tư như Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hay Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate). Bản thân tôi rất mong muốn tìm hiểu xem cách họ phát triển thế nào. Trong quá trình tìm cách đưa sản phẩm LiveSpo ra thị trường nội địa, công ty có tổ chức một sự kiện nhỏ để chia sẻ với các nhà báo về sản phẩm bào tử lợi khuẩn. Sau đó, một tờ báo tiếng Anh có phát hành trên máy bay đã đăng tải bài viết về LiveSpo. Tình cờ, Chris Freund, Nhà sáng lập/Tổng giám đốc của Mekong Capital, đọc được bài báo đó trên máy bay và ngay lập tức tìm cách liên lạc với LiveSpo rồi đi đến hợp tác. Mekong Capital mang đến phương thức làm việc mới, luôn luôn tìm tòi, thử - sai – sửa. Mặc dù quá trình tiếp nhận tư duy đó không bằng phẳng, có những giai đoạn sóng gió nhưng điều đó là cần thiết cho sự trưởng thành về nhận thức phát triển doanh nghiệp. Mekong Capital dám đầu tư, dám chi tiêu cho sự thử nghiệm. Bên cạnh đó, Mekong Capital cũng rất chú trọng đến số hóa, thậm chí đưa vào trong triết lý đầu tư của họ, và số hóa cũng là định hướng ngay từ khi thành lập LiveSpo Pharma, bởi sản phẩm bào tử lợi khuẩn thường dễ tiếp cận hơn tới các bạn trẻ, điều này thôi thúc LiveSpo sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để bán hàng. Đây là điểm chung lớn giữa Mekong Capital và LiveSpo. Bản thân LiveSpo không muốn đi con đường truyền thống. Chúng tôi đề ra 3 chiến lược: (1) Dẫn đầu thị trường về tác dụng đột phá của sản phẩm gắn liền với nghiên cứu khoa học (2) Xây dựng trải nghiệm ôm trọn khách hàng (3) Bán hàng đa kênh. Lõi của 3 chiến lược này là chuyển đổi số”. Ông Đặng Quốc Hưng, Tổng giám đốc LiveSpo Pharma |