• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân dễ dàng khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

Sau hơn một tháng triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, cả nước đã có gần 3.000 cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng phương thức mới này, mang lại tiện ích cho cả người dân và cơ sở khám chữa bệnh.

Gần 3.000 cơ sở ứng dụng khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sau hơn một tháng triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, cả nước đã có gần 3.000 cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng phương thức mới này. Điều này mang lại khá nhiều tiện ích cho cả người dân và cơ sở khám chữa bệnh.

Trước đó, ngành BHXH Việt Nam đã xác thực khoảng 39 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cung cấp, chia sẻ hơn 9,3 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, ngành phối hợp với Bộ Công an xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh thư nhân dân để đối chiếu, đồng bộ với số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang Cơ sở dữ liệu của BHXH. Toàn bộ các thông tin về cá nhân được bảo mật, bảo đảm an toàn cho công dân.

Những dữ liệu nêu trên nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân tham gia BHXH, tạo điều kiện để người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT để khám, chữa bệnh.

Người dân dễ dàng khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

Hiện có gần 3.000 cơ sở ứng dụng khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp

Chia sẻ về những tiện ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám chữa bệnh BHYT, chị Vũ Phương Trà (ở quận Long Biên, Hà Nôi) cho biết: "Trước đây khi đăng ký khám bệnh, tôi cần 3-4 phút để đối chiếu và nhập tay các thông tin cá nhân. Giờ thì chỉ cần đưa căn cước công dân cho nhân viên y tế quét tầm 1 phút là xong. Bệnh nhân đông đúc, việc áp dụng tích hợp như thế này tôi khỏi phải chờ lâu".

Ông Đồng Văn Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết: Việc sử dụng căn cước công dân khi khám chữa bệnh sẽ giảm 2 - 3 bước trong quy trình 6 bước với các bệnh nhân BHYT.

Hiện, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 3.000 - 3.500 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Trong giai đoạn đầu bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng phần mềm của BHXH, nhân viên y tế phải nhập tay khá nhiều thông tin tốn kém thời gian. Tuy nhiên, từ khi Bộ Y tế triển khai ứng dụng dữ liệu số, đơn vị đã nhanh chóng trang bị máy quét mã QR trên thẻ căn cước công dân đặt tại khu vực đăng ký khám, từ đó việc tiếp nhận bệnh rất nhanh và thuận lợi.

"Khâu thủ tục hành chính đã đơn giản, thuận lợi hơn, nhân viên y tế sẽ xác định đúng người bệnh trên thẻ, cũng như tình trạng bệnh sử, thông tin các lần đi khám trước đó như một hồ sơ bệnh án điện tử", ông Thành nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, với việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip thay thế thẻ BHYT bằng giấy mà ngành Y tế đã triển khai thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh cùng kỳ vọng sẽ mở đầu cho lộ trình thay thế dần các thủ tục giấy tờ cá nhân gây tốn kém thời gian và tiền bạc...

Tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh

Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT qua thẻ căn cước công dân gắn chíp. Theo đó, thông tin thẻ BHYT của nhiều người dân đã được tích hợp trong dữ liệu về căn cước công dân.

Về thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (ứng dụng VNEID) trong khám, chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp đi khám, chữa bệnh.

Người dân dễ dàng khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

Người dân dễ dàng đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

Ngành BHXH cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc thực hiện căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh bằng nhiều hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận.

Do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang hoàn thiện, nên người dân đi khám, chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID - BHXH số.

Trường hợp người bệnh BHYT đã thực hiện được việc khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID), thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc qua ứng dụng VENID.

Trường hợp căn cước công dân chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNEID, người bệnh có thẻ BHYT thực hiện việc khám, chữa bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh).

Cùng với đó, người dân có thể thông báo và cung cấp tới các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua căn cước công dân gắn chíp tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn hoặc tra cứu bằng hàm tra cứu tự động (API).

BHXH Việt Nam cũng lưu ý các cơ quan liên quan hỗ trợ kịp thời cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và người tham gia BHYT trong quá trình sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh; Không để xảy ra hiện tượng từ chối khám, chữa bệnh khi người dân cung cấp căn cước công dân gắn chíp mà thông tin này đã được đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan