• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngộ độc mật cá trắm, hai bệnh nhân suy thận nặng

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nặng do ăn mật cá trắm.

Ca bệnh đầu tiên là cụ bà (77 tuổi, quê Thái Bình). Theo người nhà của bệnh nhân, vì tin mật cá trắm có công dụng tốt cho sức khỏe nên bệnh nhân đã nuốt mật cá trắm được nấu chín tới. Sau vài giờ đồng hồ, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn và nôn nhưng giấu không cho ai biết.

Triệu chứng càng ngày càng nặng hơn, sau vài ngày, cụ bà mới báo cho các con và được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để điều trị. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cụ bị suy gan, suy thận, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Cụ bà 77 tuổi ngộ độc do nuốt mật cá trắm đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai

Cụ bà 77 tuổi ngộ độc do nuốt mật cá trắm đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BVCC)

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân mới cho người nhà và bác sĩ biết mình đã nuốt mật cá trắm.

Ca bệnh thứ 2 là nam bệnh nhân (47 tuổi, ở Phú Thọ) sau khi ăn món cá kho cùng 2 người bạn thì có biểu hiện ngộ độc như đau tức bụng, buồn nôn và nôn. Bệnh nhân được gia đình nhanh chóng đưa đến trạm y tế xã để sơ cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Trước đó, bệnh nhân cùng 2 người bạn đã ăn món cá trắm kho (cả thịt cá, lòng cá và mật cá) nhưng 2 người bạn không có biểu hiện lạ do chỉ ăn một lượng nhỏ.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ xưa người dân thường quan niệm các loại mật cá, đặc biệt cá to thường có lợi cho sức khỏe, thậm chí có thể chữa một số loại bệnh. Tuy nhiên, bên trong các loại mật cá như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều có chứa một loại độc tố nguy hiểm.

"Tên khoa học của loại độc tố này là 5α-cyprinol, đây là một hợp chất alcohol với 5 nhóm hydroxyl trong phân tử. Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc.

Chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy… Sau đó, chất độc nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan… Nhiều bệnh nhân khi trúng độc cần phải điều trị tích cực như lọc máu và nằm viện nhiều ngày với chi phí điều trị tốn kém, nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin.

Giám đốc Trung tâm chống độc khuyến cáo: "Người dân tuyệt đối không ăn mật cá, ngoài việc có thể gây ngộ độc thì bản thân mật các loại mật động vật chính là nơi chứa những loại vi trùng, virus, ký sinh trùng… Chúng có thể gây bệnh cho con người theo một cách rất phức tạp, có thể gây ngộ độc và các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn, điều trị rất khó khăn".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật