Loại hoa tưởng chỉ để làm cảnh hóa ra có vô vàn công dụng, đặc biệt tốt cho huyết áp và mỡ máu
Đây là loại cây trước kia trồng làm cảnh nhưng giờ đây, hoa của cây được thu hái để làm dược liệu.
Cây hòe được biết tới là loại cây trồng làm cảnh, có ý nghĩa phong thủy là mang tới điều tốt đẹp cho gia chủ. Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), hoa hòe không chỉ được trồng làm cảnh mà còn được dùng làm trà uống rất thơm và giúp điều trị nhiều bệnh lý như cao huyết áp, mỡ máu cao, mất ngủ, bệnh trĩ, đại tiện ra máu…
Hoa hòe có tên gọi khác là hòa thực, hòe mễ thán, hòe hoa, hòe nhụy, hòe giao. Tên khoa học là Styphnolobium japonicum, thuộc họ đậu (Fabaceae ). Trong y học cổ truyền, hoa hòe có vị đắng, tính bình, mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết, sát cam trùng. Thảo dược này có mặt trong hầu hết các bài thuốc chữa bệnh trĩ, đại tiện ra máu, cao huyết áp, mất ngủ của y học cổ truyền.
Hoa hòe dùng tốt nhất khi còn ở dạng nụ do lúc này, hàm lượng rutin - một loại vitamin P - đạt mức cao nhất. Nụ hoa sau khi được thu hoạch cần tách ra khỏi cành rồi đem sao thơm.
Ở Việt Nam, cây được trồng rộng rãi ở nhiều nơi như Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng và một số tỉnh Tây Nguyên. Trên thế giới, một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Mỹ… cũng trồng cây hòe để làm thuốc.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội đông y Hà Nội, cho hay sau khi được thu hái, nụ hoa hòe thường được phơi khô, có thể dùng sống hoặc sao cho hơi vàng, hãm với nước sôi uống.
Ông Sáng cho biết nghiên cứu hiện đại cho thấy nước hoa hòe tốt cho bệnh tim mạch. Các hoạt chất trong hoa hòe làm giảm khả năng thẩm thấu ở mao mạch, nhờ đó cải thiện sức bền cho thành mạch. Hoa hòe còn có tác dụng làm giảm cholesterol và mỡ máu, phòng trị xơ vữa động mạch.
Dịch chiết từ hoa hòe khi thử nghiệm bơm vào tĩnh mạch động vật (chó, ếch) giúp giảm huyết áp rõ rệt, tăng lực co bóp của tim. Nước hoa hòe được bơm vào ruột thỏ bị tiêu chảy giúp giảm tình trạng đi tiêu phân lỏng.
Bài thuốc từ hoa hòe
Ông Sáng cho biết hoa hòe không có độc. Dùng thuốc đúng mục đích và liều lượng cho phép hầu như không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể. Do vậy, có thể uống nước hoa hòe hằng ngày.
- Chữa tăng huyết áp, đề phòng đột quỵ não: Hoa hòe 30g, hy thiêm thảo 30g sắc uống.
- Chữa trĩ, lỵ, băng huyết: hoa hòe 9g, nhọ nồi 3g tất cả đem tán bột, uống với nước sắc cỏ tranh.
- Chữa bệnh lỵ ra máu và các loại xuất huyết: 10 – 15g hoa hòe. Sắc nước uống. Nên sao qua trước khi sắc.
- Chữa nhức đầu, choáng váng: Nụ hòe, hạt muồng, tâm sen lượng bằng nhau đem sao khô, tán thành bột. Mỗi lần uống 5g, từ 2 – 4 lần/ngày.
- Chữa mất ngủ: Hoa hòe, hạt muồng lượng bằng nhau tùy dùng. Tán bột và uống mỗi lần 5g, 2 lần/ngày.
Lưu ý khi dùng hoa hòe
Theo ông Sáng, người có tỳ vị hư hàn với biểu hiện đặc trưng là tiêu chảy, lạnh bụng, chán ăn, khó tiêu, phụ nữ đang mang thai không nên dùng hoa hòe. Nếu sử dụng cần kết hợp với các vị thuốc có tính nóng ấm để giảm bớt tính lạnh của hoa hòe.
Người huyết áp thấp không nên dùng nhiều nước uống hoa hòe vì có thể bị choáng váng, chóng mặt. Khi dùng hoa hòe làm thuốc điều trị nên tham vấn ý kiến của người có chuyên môn.
Người khỏe mạnh có thể uống nước hoa hòe hằng ngày để phòng bệnh và nâng cao sức khỏe. Sử dụng hoa hòe, mọi người cần lưu ý thời tiết tại Việt Nam nóng ẩm nên rất dễ bị mốc. Khi bảo quản hoa, cần để nơi khô thoáng, nếu có dấu hiệu mốc cần bỏ ngay.