• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Tại toạ đàm “Sốt xuất huyết - hết sốt chớ vội chủ quan” diễn ra sáng 5/11 tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, cần chăm sóc đúng cách để không dẫn đến diễn tiến nguy hiểm.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến cuối tháng 10/2022, toàn thành phố ghi nhận 70.370 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đa phần các trường hợp mắc bệnh có diễn tiến nhẹ và tự khỏi bệnh trong vòng 7 - 10 ngày, do đó hầu hết các trường hợp sau khi được chẩn đoán mắc bệnh sẽ được điều trị, theo dõi, chăm sóc tại nhà.

Việc này dẫn đến một số lo lắng trong vấn đề chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà, như nên dùng thuốc như thế nào, cần ăn uống ra sao để mau chóng hồi phục?

Toạ đàm “Sốt xuất huyết - Hết sốt chớ vội chủ quan” diễn ra sáng 5/11
Toạ đàm “Sốt xuất huyết - hết sốt chớ vội chủ quan” diễn ra sáng 5/11

Đừng vội tin cách chữa trị trên mạng

Tại buổi toạ đàm “Sốt xuất huyết - hết sốt chớ vội chủ quan”, bác sĩ chuyên khoa II (CK II) Nguyễn Thanh Trường - Giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú cho biết, quan trọng nhất trong quá trình điều trị sốt xuất huyết là theo dõi sát, phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo để có biện phát chữa trị kịp thời.

Theo bác sĩ Trường, có 2 dữ kiện cần theo dõi mỗi ngày, đó là xét nghiệm dung tích hồng cầu và tiểu cầu chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế.

“Tốt nhất khi nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn cách điều trị tại nhà. Đừng vội tin những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Trường, nhóm đối tượng có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, béo phì… không được điều trị tại nhà, phải khẩn trương đưa đến các cơ sở y tế nếu có dấu hiệu sốt xuất huyết.

Hết sốt chớ vội chủ quan

Chia sẻ thêm tại buổi tọa đàm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sốt xuất huyết đa số là nhẹ, có thể điều trị tại nhà nhưng không có nghĩa là tự điều trị, người dân nên hiểu đúng 2 vấn đề này.

Theo bác sĩ Khanh, tư tưởng “hết sốt là hết bệnh” của nhiều người là không đúng với bệnh sốt xuất huyết. Việc mọi người lạm dụng thuốc hạ sốt quá đà, quá liều, thay đổi thuốc liên tục có thể dẫn đến tác dụng ngược, ảnh hưởng đến gan gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ Khanh cho rằng, việc hạ sốt phải thực hiện từ từ, đúng chỉ định, nên có tư vấn từ bác sĩ và tái khám thường xuyên. Sau khi hết sốt vẫn phải theo dõi sức khoẻ người bệnh, có những biện pháp tăng cường đề kháng cho người bệnh để từ đó tiêu diệt hoàn toàn virus gây bệnh.

Cần chú trọng dinh dưỡng

Hiện nay, chưa có một loại thuốc đặc hiệu nào đối với bệnh sốt xuất huyết, chủ yếu là điều trị hỗ trợ và theo dõi. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng là một phương thức điều trị hiệu quả giúp người bệnh tăng cường đề kháng, diễn tiến bệnh trở nên thuận lợi.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường khẳng định quan trọng nhất là phải bù nước điện giải, nhưng tránh những loại nước có màu ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn những loại thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hoá; Hạn chế ăn mỡ, dầu; Ăn nhiều trái cây, rau củ quả có chứa nhiều Vitamin C… từ đó sẽ tăng cường đề kháng, tăng cường sức khoẻ tiến đến mau chóng khỏi bệnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật