Đề xuất nhiều giải pháp “cởi trói” cho ngành Y tế Hà Nội
Từ thực trạng khó khăn, vướng mắc hiện nay, GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp “cởi trói” cho ngành Y tế Hà Nội.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến lĩnh vực y tế.
Về cơ bản các nội dung sửa đổi này là phù hợp với thực tiễn, tiềm năng nguồn lực y tế ở thành phố, đồng thời tạo lập mục tiêu và định hướng phát triển cho hệ thống y tế ở Thủ đô song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành y tế Hà Nội.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội dung phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân là cần thiết.
Thiếu vắng chuyên gia ở bệnh viện của Hà Nội
Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể.
Trên thực tế, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô chưa xứng tầm với vị thế là tuyến cuối của Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; Trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến cơ sở còn thiếu và xuống cấp.
Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng với bằng chứng là tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân là chưa cao (14 bác sĩ/10.000 dân, so với số 11,5 bác sĩ/10.000 dân của cả nước trong năm 2022 và thấp hơn nhiều so với Úc, Pháp; Hoa Kỳ; Trung Quốc). Trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên; Nhật Bản thậm chí có đến 9 - 10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên.
Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; Giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm mà hiện nay vẫn chưa có những chính sách để giải quyết hiệu quả.
Cán bộ y tế Hà Nội chưa có mức ưu đãi tương ứng (Ảnh IT) |
Bên cạnh đó, chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.
Một minh chứng cho thấy, trước năm 2013, khi Hà Nội ký kết Dự án đào tạo đội ngũ bác sĩ Nội trú với trường Đại học Y Hà Nội thì số bác sĩ nội trú tốt nghiệp làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong vòng 40 năm chỉ là 60 người (giai đoạn 1974 - 2012).
Khắc phục điều này, giai đoạn 2013 - 2020, lãnh đạo Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Thủ đô với trường Đại học Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ nội trú thuộc các chuyên ngành khác nhau.
Nếu tính đến sự cân đối về chất lượng nguồn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa thì bức tranh còn “ảm đạm” hơn nhiều.
Theo đó, sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội ở giữa Thủ đô như: Pháp y, giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận, huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn.
Hiện nay, cho dù tình hình có được cải thiện hơn song vẫn còn xa với nhu cầu thực tiễn của ngành Y tế Thủ đô đòi hỏi. Bên cạnh đó, công tác khám chữa bệnh từ xa chưa được vận hành, hệ thống cấp cứu lưu động chưa thực sự hiệu quả và còn mỏng, tình trạng tắc nghẽn tại một số cơ sở y tế vẫn tồn tại…
Tận dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao
Ngành Y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 579 trạm y tế; 4 nhà hộ sinh; 53 phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở điều trị Methadone.
Đội ngũ nhân lực trực thuộc 30 trung tâm y tế và 579 trạm y tế với nhiệm vụ đa chức năng vừa khám, chữa bệnh vừa thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng tại địa bàn.
Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ y tế, nhất là bác sĩ có tăng nhưng còn chậm, chưa theo kịp tuyến thành phố; Còn thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao, bác sĩ có trình độ sau đại học để phát triển kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu trong công tác khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân.
Nguyên nhân được chỉ ra từ thực tế, chế độ lương thấp, công việc vất vả không có thu nhập tăng thêm. Do không có bác sĩ trình độ cao nên không thu hút được bệnh nhân đến các phòng khám đa khoa và các trạm y tế, dẫn đến nguồn kinh phí từ dịch vụ khám chữa bệnh thấp.
“Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn”, GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ.
GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội (ảnh Phạm Mạnh) |
Theo GS.TS.BS Tạ Thành Văn, điều này đặc biệt quan trọng bởi lẽ chỉ riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này. Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc Trung ương nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội.
"Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí", GS.TS.BS Tạ Thành Văn nhận định.
Cũng theo ông Văn, cho dù Hà Nội có chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc thì những cơ sở này cũng khó có thể cạnh tranh được với các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội.
Do vậy, để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của ba lĩnh vực: Cơ sở y tế trực thuộc Trung ương, trường Đại học Y - Dược; Cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn.
Ông Văn cho rằng, sự phân bổ các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người. Các ưu đãi đầu tư nên tập trung vào chương trình, dự án cụ thể và khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong và ngoài địa bàn Thủ đô và quốc tế.
Có thể nói, “cởi trói” cho ngành Y tế nói chung, Hà Nội nói riêng thực sự cần thiết với vị thế của một Thủ đô, để thúc đẩy công tác khám chữa bệnh trên địa bàn. Từ thực tế trên, GS.TS.BS Tạ Thành Văn cho rằng, việc tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để hoạt động chỉ đạo, điều hành, khám, chữa bệnh thông suốt, hiệu quả cần được thực hiện kịp thời. Cùng với đó, dự thảo luật cũng cần có chính sách phụ cấp ưu đãi của Chính phủ và chế độ thu hút, đãi ngộ riêng đối với Thủ đô Hà Nội.