• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất chi 60 nghìn tỷ đồng mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế

Đó là một trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra từ ngày 4 - 11/1.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Trình bày Tờ trình tại phiên khai mạc kỳ họp sáng nay (4/1), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Nghị quyết nhằm phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; Góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại kỳ họp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại kỳ họp

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Về giải pháp tài khóa, tổng quy mô là 291 nghìn tỷ đồng, gồm: Tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240 nghìn tỷ đồng; Bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 (135 nghìn tỷ đồng)…

Về giải pháp tiền tệ, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm.

Khoảng 46 nghìn tỷ đồng được sử dụng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong chương trình, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công...

Đặc biệt, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình, cụ thể: Tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; Trong đó năm 2022, khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua); Tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi NSNN tương ứng; Trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch; Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho vay ưu đãi trong 2 năm 2022-2023; Cho phép bố trí NSNN để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2023.

Làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đề xuất chi 60 nghìn tỷ đồng mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra của Quốc hội

Về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình; Đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ; Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.

Về tăng bội chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình (2022-2023).

Về chính sách thuế, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; Cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt...

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, Ủy ban Kinh tế thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Về chính sách tiền tệ, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế, bên cạnh đó, đề nghị xem xét thêm một số vấn đề: Chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên; Việc tiếp tục tái cấp vốn và gia hạn vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động cần có giải pháp mang tính khả thi.

Về huy động nguồn lực, đa số ý kiến tán thành với giải pháp Chính phủ đã đưa ra, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đề nghị báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể, khả năng hấp thụ vốn; Đồng thời, cần nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau: Báo cáo rõ tính khả thi của nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách để huy động ngay trong 2 năm 2022-2023; Phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ chỉ thực hiện trong trường hợp cấp bách và phải báo cáo cấp có thẩm quyền…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật