Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025: Quyết định ‘hợp lòng dân’
Quốc hội quyết nghị cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được người dân đồng tình ủng hộ.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Quyết định của Quốc hội đã được người dân đồng tình ủng hộ, nhất là các bậc phụ huynh có con đang ở lứa tuổi học đường.
Thuốc lá điện tử ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh về số người sử dụng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ. Qua điều tra liên quan đến sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong nhóm học sinh từ 13 - 17 tuổi tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Ảnh Internet. |
Theo Bộ Y tế, mặc dù không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, chúng vẫn gây nghiện do hàm lượng nicotine cao, gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, hô hấp, tổn thương phổi cấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Trong ngày làm việc thứ 18, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh quan điểm cần cấm thuốc lá điện tử do những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. TLĐT và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine hoặc các hương liệu hòa tan trong propylene glycol hoặc glycerine. Ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và nhiều chất độc hại khác xuất hiện trong khí/khói mà sản phẩm này tạo ra.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, thống kê của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tình trạng học sinh sử dụng TLĐT đã xuất hiện nhiều năm nay, khiến người dân không khỏi lo lắng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con, cháu đang “tuổi ăn tuổi lớn”. Theo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, TLĐT chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong.
Còn theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần TLĐT có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Nicotine trong TLĐT gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
TLĐT sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.
Trong ngày làm việc thứ 18, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh quan điểm cần cấm thuốc lá điện tử do những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ảnh: Mạnh Cường. |
Còn Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.
Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Vì thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm các có trong thuốc lá làm nóng có thể gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ...
Người dân phấn khởi về quyết định cấm thuốc lá điện tử
Anh Nguyễn Tại Tuấn, trú tại phố Lê Ngân, Phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa chia sẻ: “Thông qua các cơ quan báo chí, tôi được biết Quốc hội vừa thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng từ năm 2025, tôi rất phấn khởi. Đây là một quyết định “hợp lòng dân”. Người dân chúng tôi rất phấn khởi trước quyết định của Quốc hội”.
Còn chị Nguyễn Thị Hương, trú tại xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Người dân chúng tôi cảm ơn Quốc hội đã có quyết định “đúng”, “trúng”, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ thế hệ trẻ tránh khỏi nguy cơ nghiện. Chúng tôi cũng kiến nghị cần có chế tài xử phạt nặng nếu phát hiện người hút thuốc lá điện tử để răn đe cho người khác”.
Cơ quan chức năng của TP.Thanh Hóa tổ chức tuyên truyền phòng, chống sử dụng thuốc lá điện tử, “cỏ Mỹ” trong học sinh Trường THCS Cù Chính Lan TP. Thanh Hóa. Ảnh: Đồng Thành. |
Anh Lê Văn Bình, cán bộ đang công tác tại TP. Thanh Hóa cho hay: “Tôi rất đồng tình và phấn khởi trước quyết định của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Tôi có con đang học lớp 8, cháu đi ra khỏi nhà là gia đình không thể kiểm soát hết được, lúc nào cũng sợ cháu bị lôi kéo hút thuốc lá điện tử. Nên khi nghe báo chí nói Quốc hội vừa thông qua nghị quyết cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025, tôi phấn khởi lắm”.
Thống kê cho thấy, ở một số quốc gia như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan... cũng đã thành công trong việc cấm và áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với người sử dụng TLĐT nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Có thể nói, quyết định của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 được người dân rất đồng tình, ủng hộ - một quyết định vì sức khỏe cộng đồng, "hợp lòng dân".
Tuy nhiên, để việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến mọi người dân đều biết và thực thi nghiêm khắc thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Nhân dân, đặc biệt là ở thế hệ trẻ đang “tuổi ăn, tuổi lớn”. Qua đó, giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đang sử dụng TLĐT thay đổi nhận thức và hành vi lâu dài của mình vì sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.