• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viện đa khoa Trà Vinh bị tố làm trái luật trong đấu thầu: Xử lý như thế nào?

Báo Tuổi trẻ Thủ đô ngày 30/5/2023 có bài “Bệnh viện đa khoa Trà Vinh bị tố làm trái luật trong đấu thầu?”, phản ánh vụ đấu thầu thủy tinh thể nhân tạo không đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Các luật sư đã có ý kiến phân tích về vấn đề này.

Từ những khúc mắc cần được làm rõ...

Ngày 10/6/2023, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật thiết bị Y tế Anh Duy (Công ty Anh Duy) gửi đơn đến báo chí bản trình bày về cơ sở pháp lý, tài liệu liên quan đến gói thầu.

Đơn trình bày nêu một số mốc chính: Gói thầu được mở thầu ngày 4/1/2023, ngày 8/2/2023 có báo cáo đánh giá E-HSDT số 03/BC-TCG ĐT của Công ty Anh Duy.

Ngày 13/2/2023, Bệnh viện đa khoa Trà Vinh và Công ty Anh Duy thương thảo hợp đồng.

Ngày 27/2/2023, Bệnh viện đa khoa Trà Vinh có báo cáo đánh giá lại E-HSDT số 04/BC-TCG ĐT là Công ty Anh Duy không đạt (theo chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện).

Sau đó, ngày 6/3/2023, chủ đầu tư ra Quyết định số 214A/QĐ-BVĐKTV cho Liên danh Công ty Lê Kha - Tâm An trúng thầu với giá 5,9 tỷ đồng, đắt hơn 10,4% so với giá của Công ty Anh Duy.

Bản trình bày của Công ty Anh Duy gửi báo chí

Bản trình bày của Công ty Anh Duy gửi các cơ quan báo chí

Công ty Anh Duy cho rằng, quyết định chọn nhà thầu như trên là trái Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014. Bởi lẽ, gói thầu thực hiện theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, quy trình chi tiết gồm 6 bước: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu; Đánh giá hồ sơ dự thầu; Thương thảo hợp đồng; Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Ở đây, Bệnh viện đa khoa Trà Vinh đã thực hiện bước 4 là thương thảo hợp đồng rồi quay về bước 3 đánh giá lại hồ sơ dự thầu để chọn nhà thầu khác. “Như vậy, bệnh viện đã lập 2 báo cáo đánh giá E-HSDT số 03/BC-TCG ĐT ngày 8/2/2023 và báo cáo đánh giá lại E-HSDT số 04/BC-TCG ĐT ngày 27/2/2023 là sai luật”, Công ty Anh Duy nhấn mạnh.

Việc quay về bước 3 để chọn lại nhà thầu được Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trà Vinh Trần Kiến Vũ giải thích: “Quá trình thương thảo hợp đồng trước đây không đủ cơ sở để bệnh viện phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu”.

Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất ở chỗ, quá trình lựa chọn ban đầu đến bước thứ 4 thương thảo hợp đồng với Công ty Anh Duy đã được công khai trên mạng. Tuy nhiên sau đó, Bệnh viện đa khoa Trà Vinh lại quay về bước thứ 3 để lựa chọn Liên danh Công ty Lê Kha - Tâm An và ra quyết định thì không công khai.

Theo Công ty Anh Duy: “Công ty đã ký và nộp bản thương thảo hợp đồng cho Bệnh viện đa khoa Trà Vinh. Kế tiếp, Công ty Anh Duy nhiều lần điện thoại và gặp trực tiếp bà Nguyễn Thị Bích Phượng (đại diện của bệnh viện trao đổi bản thương thảo hợp đồng) để yêu cầu Bệnh viện đa khoa Trà Vinh thực hiện ký kết hồ sơ sau khi thương thảo hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng có trả lời “chờ giám đốc đi công tác về ký hồ sơ”. Trong thời gian chờ (kể từ ngày thương thảo hợp đồng 13/2/2023 đến 26/3/2023) 42 ngày nhưng giám đốc bệnh viện vẫn không ký hồ sơ (thương thảo hợp đồng, quyết định trúng thầu, hợp đồng kinh tế) với Công ty Anh Duy.

Đến ngày 27/3/2023, Công ty Anh Duy gửi đơn kiến nghị yêu cầu bệnh viện ký quyết định trúng thầu cho công ty. Ngay sau đó, ngày 30/3/2023, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trà Vinh có văn bản trả lời đã loại Công ty Anh Duy và chọn Liên danh Công ty Lê Kha - Tâm An”.

Khi biết bị loại trái luật nhưng Công ty Anh Duy không thể khiếu nại được nữa vì đã quá thời hiệu quy định.

Bệnh viện đa khoa Trà Vinh bị tố làm trái luật trong đấu thầu: Xử lý như thế nào?

Bệnh viện đa khoa Trà Vinh

... đến ý kiến của luật sư

Luật sư Lê Hoàng Nhí (Giám đốc Công ty Luật Lê Hoàng, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ) cho biết: Theo quy định pháp luật về đấu thầu (bao gồm hình thức đấu thầu qua mạng) phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng phải đảm bảo phù hợp quy định Luật Đấu thầu năm 2013, các văn bản hướng dẫn liên quan và thực tế liên quan gói thầu như Điều 11 Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã quy định chi tiết 6 bước.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan.

Luật sư Lê Hoàng Nhí cho biết, Nghị định 63/2014/NĐ-CP có các quy định xử lý vi phạm trong đấu thầu như sau: Điều 121 quy định các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu: Cảnh cáo, phạt tiền; Cấm tham gia hoạt động đấu thầu; Truy cứu trách nhiệm hình sự; Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Điều 122 quy định hình thức cấm tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân từ 6 tháng đến 5 năm.

Điều 123 quy định cụ thể việc hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu: “Hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 73, khoản 10 Điều 74 và điểm e khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu; Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu.

Cụ thể, đơn vị phải đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được áp dụng khi có bằng chứng cho thấy tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Biện pháp đình chỉ được áp dụng để khắc phục ngay vi phạm đã xảy ra và được thực hiện đến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đến trước khi ký kết hợp đồng; Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng sau khi ký kết hợp đồng; Trong văn bản đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do, nội dung, biện pháp và thời gian để khắc phục vi phạm về đấu thầu; Biện pháp tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu do người có thẩm quyền quyết định khi phát hiện các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan”.

Luật sư Lê Hoàng Nhí nhấn mạnh thêm: “Ngoài ra, trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật và các quy định khác của pháp luật liên quan”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan