Bậc thầy y học cổ truyền Trung Quốc 93 tuổi vẫn khám cho bệnh nhân: Mỗi ngày đều chăm chỉ làm 4 việc
Cố bác sĩ Chu Lương Xuân, bậc thầy y học cổ truyền đầu tiên của Trung Quốc đã chia sẻ về 4 thói quen hàng ngày giúp ông khỏe mạnh và trường thọ.
Bác sĩ Chu Lương Xuân (1917-2015), thọ 98 tuổi từng là giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền ở Nam Thông, Giang Tô, Trung Quốc. Năm 2009, bác sĩ Chu Lương Xuân là người đầu tiên được vinh danh là “Bậc thầy y học cổ truyền Trung Quốc”.
Khi còn sống, bác sĩ Chu nổi tiếng là người có sức khỏe dồi dào, ít khi mắc bệnh dù đã cao tuổi. Đặc biệt, ở tuổi 93, bác sĩ Chu thậm chí vẫn tiếp tục khám chữa cho 30-50 bệnh nhân mỗi ngày. Ông cũng thường xuyên bay sang nước ngoài để tham dự hội thảo về y tế.
Trong một bài phỏng vấn trước đây, khi được hỏi về bí quyết duy trì sức khỏe dù đã lớn tuổi, bác sĩ Chu Lương Xuân cho biết bí quyết nằm ở 4 việc mà ông làm hàng ngày.
4 bí quyết duy trì sức khỏe của bác sĩ Chu Lương Xuân
1. Tự nấu cháo ăn sáng
Bác sĩ Chu Lương Xuân từng tiết lộ một trong những thói quen giúp ông duy trì sức khỏe là tự nấu cháo ăn mỗi ngày. Nguyên liệu bác sĩ Chu sử dụng cho món cháo bổ dưỡng của mình rất đơn giản, gồm 50g hạt sen, 50g hạt ý dĩ, 30g táo tàu, 50g đậu xanh, 50g đậu lăng trắng,10g dâu tằm nấu cùng với gạo và nước.
Đây đều là các nguyên liệu bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Ví dụ như hạt ý dĩ là một vị thuốc Đông y có vị ngọt nhạt, tính hàn, lợi thủy, tiêu sưng, bổ tỳ vị, trừ ẩm, thư giãn gân cốt, chữa đau khớp, thanh nhiệt, tiêu mủ,... Ăn thường xuyên giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, phòng ngừa tim mạch.
Còn táo tàu đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có thể giúp cải thiện giấc ngủ, chức năng não bộ, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư.
Hạt sen vừa một món ăn ngon, bổ và vừa là một vị thuốc quý trong Đông y, có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích thận, bổ tỳ, giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, đầy bụng, khó tiêu, mất nước.
2. Ngủ đủ giấc và tăng cường hoạt động não bộ
Bác sĩ Chu Lương Xuân từng chia sẻ một ngày ông chỉ ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm. Ông không khuyến khích mọi người ngủ vượt 8 tiếng vì ngủ quá nhiều có thể khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải hơn. Song song với việc ngủ quá nhiều, vị chuyên gia cũng khẳng định rằng ngủ quá ít cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cơ thể.
Bác sĩ Chu cho biết, để có trí não minh mẫn ngay cả khi về già, ông thường duy trì thói quen “mỗi ngày nạp thêm kiến thức mới”. Chia sẻ trong một bài phỏng vấn cũ, bác sĩ Chu cho biết: “Nếu một ngày tôi không đọc hoặc cập nhật thêm ít nhất một thông tin mới thì ban đêm tôi sẽ không ngủ được. Do đó, mỗi ngày tôi sẽ cố gắng đọc vài trang sách, báo hoặc xem tạp chí”.
3. Đạp xe đi làm và thư giãn cơ thể hàng ngày
Khi còn sống, bác sĩ Chu có lịch trình khám bệnh khá bận rộn nên ông thường không có thời gian rảnh để tập luyện các bài tập dài. Do đó bác sĩ Chu quyết định đạp xe đi làm như một cách để tăng cường hoạt động thể chất. Ngoài đi làm, bác sĩ Chu cũng sử dụng xe đạp để di chuyển đến nhiều nơi khác.
Bên cạnh việc đạp xe đi làm, bác sĩ Chu cũng chú trọng tới việc thư giãn cơ thể. Mỗi ngày khi thức dậy và trước khi đi ngủ, bác sĩ Chu đều dành ra 5-10 phút để masage mặt, cổ và thư giãn tay chân bằng những động tác đơn giản như xoay cổ, vươn vai, dậm chân tại chỗ hoặc cúi gập người.
Bác sĩ chia sẻ các động tác này giúp ông thư giãn cột sống thắt lưng, cơ tay, cơ chân từ đó giúp giảm mệt mỏi cho cơ thể sau một ngày làm việc dài.
4. Lịch trình đều đặn
Bác sĩ Chu Lương Xuân tin rằng một lịch trình làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mỗi ngày, bác sĩ Chu đều thức dậy vào lúc 7 giờ sáng, vệ sinh cá nhân và ăn sáng trước 9 giờ. Ông sẽ đến bệnh viện và làm việc từ 9-11 giờ, ăn trưa vào lúc 11 giờ và nghỉ trưa đến 1 giờ chiều. Bác sĩ Chu ăn tối lúc 6-7 giờ tối và đi ngủ 9-10 giờ tối.
Lịch trình đều đặn giúp cơ thể hoạt động và trao đổi chất hiệu quả, từ đó giúp tăng cường miễn dịch, phòng ngừa các bệnh mạn tính hiệu quả.
Theo Mộc Miên