5 phương pháp làm ấm cơ thể, tránh đổ bệnh cho bé mà mẹ nhất định phải ghi nhớ khi trời chuyển rét buốt
Trước sự bất thường của thời tiết với nhiệt độ thay đổi đột ngột, các em bé rất dễ ốm vì sức đề kháng còn kém. Để giảm ốm vặt cho các bé, cha mẹ nhớ áp dụng các cách sau.
Vào những thời điểm giao mùa độ ẩm trong không khí tăng cao, thời tiết thay đổi đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh tấn công tới cơ thể con người. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất vì hệ miễn dịch chưa được hoàn chỉnh, sức đề kháng thấp. Do đó phụ huynh cần trang bị những kiến thức về các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa cũng như cách phòng tránh bệnh tốt nhất cho con.
Dưới đây là 5 tips làm ấm cơ thể, tránh đổ bệnh cho bé mà mẹ nhất định phải ghi nhớ khi trời chuyển rét buốt.
1. Đảm bảo quy tắc 4 ấm 1 lạnh khi mặc quần áo cho bé
Với "4 ấm", cha mẹ cần đảm bảo giữ ấm 4 bộ phận trên cơ thể trẻ, bao gồm:
- Giữ bàn tay ấm: Giữ ấm sao cho tay trẻ không đổ mồ hôi.
- Giữ lưng ấm: Tương tự như bàn tay, lưng trẻ cũng nên được giữ ấm vừa phải, bởi nếu trẻ bị đổ mồ hôi ở lưng và không được lau, thấm ngay lập tức, mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh.
- Giữ bụng ấm: Bụng được giữ ấm giúp bảo vệ dạ dày non nớt của trẻ. Dạ dày bị lạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thụ thức ăn của trẻ.
- Giữ bàn chân ấm: Bàn chân chứa rất nhiều mạch và huyệt, nên là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể trẻ. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, cúm…
"1 lạnh" là gì?
- "1 lạnh" có nghĩa là cha mẹ không nên che đầu trẻ quá kín, nhất là khi trẻ đang bị sốt hay khi ngủ, thay vào đó, đầu trẻ nên được duy trì thông thoáng và thoải mái. Tuy nhiên, việc một chiếc mũ đủ ấm là rất cần thiết khi đưa trẻ ra ngoài, bởi hầu hết nhiệt độ cơ thể bị mất qua vùng đầu.
Mùa đông, thời tiết lạnh khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm... Một trong những bộ phận trên cơ thể nhạy cảm với lạnh chính là bàn chân.
Vì thế, ngoài việc giữ ấm cơ thể, cha mẹ cần phải đặc biệt chú ý chăm sóc và giữ ấm đôi bàn chân cho trẻ. Giữ cho đôi chân khỏe mạnh chính là cách để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông. Mỗi tối trước khi đi ngủ, nên ngâm chân vào chậu nước ấm cho chút muối ăn khoảng 10-15 phút.
Nếu có điều kiện có thể dùng nước ấm pha chút tinh dầu bạc hà, hoắc hương hoặc nấu nước lá chanh, lá bạch đàn,... Ngâm chân bằng nước ấm sẽ giúp "sưởi ấm" cho cả chân và cơ thể, giúp có giấc ngủ ngon.
Chú ý, khi đi ra ngoài lạnh về, không nên hơ ngay bàn chân gần bếp lửa, lò sưởi dù là sưởi điện, không dùng túi chườm nóng, kể cả chăn sưởi ấm quá nóng. Dùng bít tất ngắn có chất liệu sợi bông, len. Nên đi giầy đế dày và có tấm lót. Nên thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân.
3. Không tắm lâu và chọn khung giờ để tắm
- Không nên cởi hết quần áo: Với các bé nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, mẹ nên tắm đến chỗ nào thì cởi chỗ đó, không nên cởi hết quần áo con ra một lúc. Sau khi tắm sạch rồi thì nhanh chóng quấn khăn để lau người và giữ ấm cho con. Khi mặc quần áo cho con, mẹ cũng mặc quần áo đến đâu cho con thì bỏ khăn ra đến đó.
- Tắm từ dưới lên trên: Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho trẻ trong mùa đông là tắm từ dưới lên trên. Mẹ rửa chân cho bé đầu tiên, sau đó, tắm dần lên trên. Gội đầu thật nhanh cho bé sau cùng để tránh bé bị lạnh khi đang ướt. Đặt một chiếc khăn mặt to ở trên ngực của em bé và thường xuyên dội nhẹ nước ấm lên trên.
- Lau người bé xong mới gội đầu: Đây là cách tắm gội rất khoa học không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn cho cả người lớn. Gội đầu sau khi tắm giúp não bộ kịp tiếp nhận và thích ứng với những tín hiệu thay đổi của cơ thể. Làm như vậy có tác dụng bảo vệ bộ não trẻ.
- Không tắm gội, lau người vào lúc trẻ đói bụng: Trẻ sẽ khóc lóc, quẫy đạp lung tung. Và cũng không nên lau người khi mới vừa cho ăn no xong, bởi vì những cử động mạnh sẽ dễ làm trẻ bị ọc thức ăn.
Vào mùa đông, chăn bông dày, chăn lông cừu là những vật dụng giữ ấm đặc biệt hữu ích với giấc ngủ của người trưởng thành, nhưng với trẻ nhỏ, chúng tiềm ẩn nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Đó là bởi tấm chăn, đệm quá dày có thể cản trở sự hô hấp của trẻ trong lúc ngủ. Trong trường hợp này, túi ngủ giữ nhiệt nên là lựa chọn của các bậc phụ huynh. Nếu bắt buộc phải sử dụng chăn để giữ ấm, chăn nên được cài xung quanh cũi và thảm, che đến ngang ngực trẻ để đảm bảo mặt trẻ không bị che phủ khi ngủ.
5. Bổ sung các món ăn giúp làm ấm cơ thể trẻ
Những ngày thời tiết giá rét, trẻ em rất dễ bị ốm, không khí chuyển lạnh là điều kiện thích hợp sản sinh các mầm bệnh và khiến diễn biến bệnh nặng thêm. Lúc này, chế độ dinh dưỡng thích hợp kết hợp lối sống lành mạnh là "chìa khóa" giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và những rối loạn trong cơ thể.
Vào mùa đông, nhu cầu năng lượng của trẻ em sẽ cao hơn nhiều vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể. Cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin và khoáng chất), các loại chất béo từ dầu thực vật và mỡ động vật giúp trẻ không bị đói và mất sức.
Ngoài ra có thể cung cấp thêm năng lượng cho trẻ bằng bữa phụ với các món ấm nóng như súp, canh bổ dưỡng, các loại bánh hấp, chiên; Bổ sung vitamin từ rau củ quả.
Bên cạnh đó, có một số món ăn có tác dụng làm ấm cơ thể rất tốt, cha mẹ nên cho con sử dụng hàng ngày như súp miso, súp bí ngô và bông cải xanh, canh gà, món ăn chứa tỏi, cháo cá...
Theo An Chi