Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em
“Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” là chủ Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ VII năm 2023 được tổ chức vào ngày 8/8. Diễn đàn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn tổ chức.
Dự diễn đàn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy. Cùng dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham đến dự chương trình |
Lắng nghe trẻ em nói
Tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII có 188 đại biểu đại diện cho trẻ em của 43 tỉnh, thành phố, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội người mù Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Làng trẻ em SOS các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, tại phiên gặp mặt, giao lưu của diễn đàn hôm nay, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy và các bác, cô, chú đại diện bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác trẻ em. Các em sẽ chủ động nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng, đóng góp giải pháp, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em với tinh thần “Trẻ em cùng tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các vấn đề của trẻ em luôn được cơ quan, tổ chức, xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam rất cần chú trọng để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp trẻ em có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, yêu gia đình, quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; Có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; Có sức khỏe, tri thức và kỹ năng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
“Tôi cũng đề nghị các quý vị đại biểu lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cùng trao đổi, xem xét, đáp ứng các ý kiến, đề xuất của trẻ em; Nghiên cứu để đưa các ý kiến, đề xuất của trẻ em vào kế hoạch, chương trình công tác của bộ, ngành, tổ chức và ưu tiên thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi, tâm tư nguyện vọng của trẻ em được bày tỏ như: Làm thế nào để giảm tình trạng tảo hôn ở trẻ em dân tộc? Giải pháp nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả? Đâu là giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em? Làm thế nào để nắm thông tin và xử lý các vấn đề về trẻ em một cách hiệu quả…
Bảo vệ trẻ em bằng hành động
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy chia sẻ tại diễn đàn |
Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, cơ chế nắm thông tin về trẻ hiện nay rất đa dạng. Trong trường học có tổ chức Đội với các thầy cô Tổng phụ trách, về nhà có bố mẹ, bên đó còn có internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, làm sao nắm bắt thông tin hiệu quả nhất một phần trong đó là ở chính các em. Khi phát hiện vấn đề như bạo lực, xâm hạ... thì các em phải lên tiếng, thực hiện quyền được thể hiện tham gia của mình.
Trong cuộc sống, học tập, các em thể cần quan tâm đến những người xung quanh, bạn bè của mình. Nếu chứng kiến bạn của mình bị bạo lực cần phải báo cáo thầy cô. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Đội phải thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cũng cho biết, thời gian qua Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời lắng nghe tiếng nói nguyện vọng trẻ em. Nhiều mô hình hiệu quả được thực hiện như: Hòm thư “Điều em muốn nói”, câu lạc bộ quyền trẻ em tại trường, cung, nhà thiếu nhi, mô hình “Hội đồng trẻ em”...
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang chia sẻ tại diễn đàn |
Nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em”. Toàn quốc hiện nay đã xây dựng được 17 “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, 35 “Hội đồng trẻ em” cấp huyện, 4 “Hội đồng trẻ em” cấp xã. Hoạt động của mô hình “Hội đồng trẻ em” các cấp cùng các chương trình lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi đã góp phần nâng cao nhận thức của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Các hoạt động này cũng tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để thiếu niên, nhi đồng được phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương những thành tích xuất sắc học tập, rèn luyện mà các em đã đạt được. Trong đó, nhiều em đã vượt lên hoàn cảnh, vượt khó khăn để trở thành những tấm gương tiêu biểu, lan tỏa tới bạn bè, cộng đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, trước những tác động của thế giới như khủng hoảng, chiến tranh, nạn đói, nguy cơ do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…thì chủ đề của Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ VII là vấn đề mang tính toàn cầu. Cùng sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, tổ chức, địa phương rất cần sự góp sức của chính trẻ em. Những thông điệp, ý kiến, kiến nghị của trẻ em tại diễn đàn đã được người lớn lắng nghe và triển khai giải pháp giải quyết các vấn đề của các em.
Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ VII |
Phó Thủ tướng mong muốn, sau diễn đàn này, trở về địa phương, các em tiếp tục có những sáng kiến, cách làm phù hợp để cùng lãnh đạo địa phương, nhà trường… giảm thiểu rủi ro, tai nạn và bạo lực ở trẻ. Các bộ ngành liên quan triển khai giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Đồng thời đề nghị nhà trường, gia đình và toàn xã hội hành động để tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho mọi trẻ em.