• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa và con người - nguồn lực quyết định sự phát triển

Với quan điểm chủ đạo, được thành phố Hà Nội giữ vững xuyên suốt trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô là: “Lựa chọn khai thác tiềm năng văn hóa và con người Hà Nội trở thành giá trị vật chất trường tồn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển Thủ đô” thì sự phát triển ấy tất yếu sẽ nhanh chóng và bền vững, hướng đến một Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Những nguồn lực đặc biệt

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND TP Hà Nội khóa XVI thông qua.

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết mang tính chiến lược.

Văn hóa và con người - nguồn lực quyết định sự phát triển

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội khóa XVI

Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực…

Một điểm nhấn được quan tâm là thành phố Hà Nội giữ quan điểm xuyên suốt: Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Từ nhiều năm nay, với Hà Nội, văn hóa và con người luôn được xác định là những nguồn lực đặc biệt, có tiềm năng vô cùng to lớn. Để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì văn hóa phải hiện diện trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển của các lĩnh vực, trong đó có quy hoạch.

Theo ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị lập Quy hoạch cho biết, từ đề cương định hướng cho đến các bản dự thảo báo cáo sau này đều xác định đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Trong loạt hội thảo được tổ chức trước đó về phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, quan điểm từ lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn khẳng định, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng, phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô. Cũng từ định hướng này, các đơn vị tư vấn đã có nghiên cứu định hình cho sự phát triển các không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô.

Đặc biệt, với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phải là một phần quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Song song với đó là nguồn lực về con người - yếu tố hàng đầu để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt hiệu quả.

Trong 5 quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội được các đơn vị tư vấn đưa ra, quan điểm lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển luôn được nhấn mạnh. Mọi sự thay đổi đều hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của Nhân dân, được đa số đồng thuận, trên cơ sở tiêu chí người dân có điều kiện sống tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư tạo thêm việc làm, hướng đến mục tiêu phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Thành phố tiếp tục xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử đặc thù trên địa bàn Thủ đô; đẩy mạnh kết nối và hòa nhịp văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài tạo nguồn lực cho phát triển; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, văn minh và tiêu biểu. Từ nhiệm vụ ấy, khâu đột phá được lựa chọn là kiến tạo không gian, cảnh quan và môi trường văn hóa, khuyến khích xã hội hóa, phát huy các giá trị của di sản, văn hóa đặc thù của Thủ đô, từ đó “biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả” vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Cần thêm các thể chế thực sự vượt trội

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội.

Văn hóa và con người - nguồn lực quyết định sự phát triển

Để triển khai hiệu quả quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng cần thêm các giải pháp liên quan đến thể chế và nguồn lực.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội còn có nhiều tiềm năng về địa hình, tài nguyên đa dạng, phong phú về con người, di sản văn hóa mà ít Thủ đô trên thế giới có được. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào những hạn chế đang gặp phải, Hà Nội chưa có một thể chế thực sự vượt trội để phát huy hết tiềm năng cho phát triển.

Hiện chúng ta có Luật Thủ đô, tuy nhiên, trong đó, còn nhiều quy định ràng buộc làm hạn chế sự phát triển. Hà Nội chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn để phục vụ cho hơn 8 triệu dân. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế… nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá. Đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần giải quyết.

Vì thế, thể chế và chính sách phát huy vai trò nguồn vốn tài chính, đất đai thực hiện quy hoạch Thủ đô cần đảm bảo quyền tự chủ cao nhất cho HĐND và UBND TP Hà Nội trong quyết định khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính trong và ngoài ngân sách Nhà nước trên cơ sở tăng mạnh cả quy mô ngân sách địa phương, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, thu ngân sách địa phương đô thị đặc thù và vay nợ của ngân sách địa phương ít nhất suốt giai đoạn 2025 – 2035.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị;

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến; khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội là: vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

 

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan