Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh tiền lương cơ sở
Sáng 10/10, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phiên họp này chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào ngày 20/10 tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt sâu sắc tinh thần Hội nghị Trung ương 6 vừa bế mạc ngày 9/10. Căn cứ vào thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, cập nhật tình hình trong nước và quốc tế, đóng góp ý kiến đánh giá về thành tựu nổi bật của năm 2022, những hạn chế, yếu kém còn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan... nhận định tình hình năm 2023.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận cho ý kiến về công tác nhân sự sẽ trình tại kỳ họp thứ 4 về kiện toàn các chức danh Tổng kiểm toán Nhà nước, các Bộ trưởng; Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề nhân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, trên cơ sở nội dung đã được Trung ương thảo luận tại hội nghị lần thứ sáu vừa qua.
Ngoài điều chỉnh tiền lương cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công, người nghỉ hưu thì còn có khu vực doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan cho ý kiến sâu sắc về vấn đề này.
Phiên họp cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Quang cảnh phiên họp |
Cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.
Tại phiên họp này, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tháo gỡ một số vướng mắc cho một số dự án BOT.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vấn đề này, trên cơ sở quy định của Luật PPP, hợp đồng giữa Chính phủ và nhà đầu tư trên tinh thần sâu sát thực tế.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vấn đề gì có cơ sở mà thuộc thẩm quyền, chín muồi thì trình Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời cần xem các bên thực hiện hợp đồng thế nào, trách nhiệm của Nhà nước ra sao, của nhà đầu tư thế nào, nếu nhà đầu tư thực hiện hợp đồng không nghiêm thì việc trình Quốc hội xem xét có thoả đáng và hợp lý không.
"Đây là việc chưa có tiền lệ, ngoài các dự án này còn có dự án khác nữa, tinh thần là tháo gỡ vướng mắc nhưng cũng phải thấu lý đạt tình, trước hết là lý đã. Nếu cho dùng ngân sách mua lại, ví dụ thế, thì làm gì có nguồn ngay để bố trí đâu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021. Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021.