TP Hồ Chí Minh: Đề xuất lắp camera ngăn chặn tình trạng vẽ bậy gây phản cảm
Nhằm ngăn chặn tình trạng sơn, vẽ bậy trên các cây cầu và công trình trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất lắp camera 24/24 giờ để tăng cường việc giám sát, xử phạt.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo UBND Thành phố về việc xử lý tình trạng sơn vẽ trên cầu Thủ Thiêm 2 và các công trình khác trên địa bàn, gây mất mỹ quan đô thị.
Tình trạng vẽ bậy trên cầu Thủ Thiêm 2 trước đây |
Về việc xử lý các vị trí sơn vẽ trên cầu Thủ Thiêm 2, Sở GTVT cho biết, đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan và chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện tẩy xóa các vị trí bị sơn vẽ bằng các dung dịch chuyên dụng. Hiện nay, bề mặt công trình đã được hoàn trả gần nguyên trạng.
Theo Sở GTVT, tình trạng sơn vẽ, dán quảng cáo gây mất mỹ quan trên các công trình giao thông trên địa bàn thành phố diễn ra thường xuyên và rất khó để phát hiện, xử lý.
Năm 2019, Sở GTVT yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, nghiên cứu triển khai thí điểm dùng sơn chuyên dụng để sơn bảo vệ bề mặt, chống dính khi bị sơn vẽ hoặc dán quảng cáo, rao vặt trên các công trình giao thông, nâng cao mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, giá thành loại sơn này khá cao so với sơn thông thường, do đó đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện mở rộng đại trà cho các công trình.
Thực trạng bôi bẩn, vẽ bậy tại TP Hồ Chí Minh tồn tại rất nhiều nơi |
Để xử lý triệt để tình trạng công trình bị sơn vẽ, dán quảng cáo, rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố giao cho đơn vị tổ chức lắp đặt bổ sung camera để tăng cường việc giám sát công trình 24/24 giờ tại các vị trí dễ gây phản cảm, bức xúc; Sử dụng các loại sơn chuyên dụng, đặc biệt chống dính bề mặt nhằm hạn chế tình trạng sơn vẽ, quảng cáo; Đảm bảo an toàn, mỹ quan đối với các công trình cấp đặc biệt hoặc quy mô lớn như: Cầu Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2, cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, cầu Sài Gòn 2, cầu Tân Thuận 1, cầu Tân Thuận 2...
Thay vì bị vẽ bậy thì những công trình thanh niên thế này đã được áp dụng để tuyên truyền khá hiệu quả |
Đồng thời, Sở GTVT cũng đề xuất giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt nghiêm để hạn chế hành vi vẽ sơn, dán quảng cáo, rao vặt trên cầu, các công trình công cộng gây mất mỹ quan đô thị.
Ngoài xử phạt hành chính còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự Theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài phạt tiền, hành vi vẽ bậy còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu là người nước ngoài thì còn có thể bị trục xuất. Đồng thời, buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với nơi vẽ bậy. Ngoài ra, hành vi vẽ bậy có thể có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể: - Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm. + Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. + Tài sản là di vật, cổ vật. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: + Có tổ chức. + Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. + Tài sản là bảo vật quốc gia. + Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác. + Để che giấu tội phạm khác. + Vì lý do công vụ của người bị hại. + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. - Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. |