• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thừa Thiên Huế: Những “sinh kế” giúp huyện miền núi A Lưới giảm nghèo

Chính quyền các cấp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chung tay hỗ trợ vật nuôi, cây trồng, đào tạo nhân lực… từng bước giúp huyện miền núi A Lưới từng bước giảm nghèo.

Từng bước giảm nghèo

A Lưới là huyện miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, giáp biên giới nước bạn Lào, hiện có hơn hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016 - 2020, chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện A Lưới đạt được những kết quả quan trọng.

Thừa Thiên Huế: Những “sinh kế” giúp huyện miền núi A Lưới giảm nghèo
Phát động phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" tại huyện A Lưới

Theo số liệu thống kê, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 35,04%, đến năm 2020 đã giảm xuống còn 14,82% (theo tiêu chí cũ). Năm 2021, qua điều tra, rà soát (chuẩn nghèo đa chiều), huyện A Lưới hiện còn 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%. Năm 2022 tỉnh Thừa Thiên Huế giao giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện 7,54%, tương đương 1.060 hộ nghèo; huyện phấn đấu giảm 10,18% tương đương 1.430 hộ nghèo; các xã, thị trấn phấn đấu giảm 10,78% tương đương với 1.512 hộ. Theo đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra, hiện còn lại 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%.

Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện A Lưới có giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức khá cao, huyện A Lưới hiện đang nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, tái nghèo là việc thiếu đất sản xuất khiến người dân nơi đây khó khăn trong việc làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi. Ngoài ra, thị trường đầu ra sản phẩm, nông sảncủa bà con còn thấp, bấp bênh. Bên cạnh đó, nhận thức và ý chí vươn lên của chính người dân nơi đây chưa cao, một bộ phận không nhỏ bà con còn mang nặng các tư tưởng, phong tục tập quán lao động sản xuất lạc hậu...

Tiến đến giảm nghèo bền vững

Theo đánh giá chung của Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện A Lưới, việc quán triệt, cụ thể hóa các văn bản về giảm nghèo được triển khai kịp thời, hiệu quả. Đảng ủy các xã, thị trấn đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai, ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện.

Thừa Thiên Huế: Những “sinh kế” giúp huyện miền núi A Lưới giảm nghèo
Các nông sản, đặc sản của đồng bào dân tộc A Lưới được giới thiệu, bày bán tại các phiên chợ vùng cao

Theo UBND huyện A Lưới, để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung cơ bản vào 3 nội dung chính gồm tạo việc làm cho lao động chưa có việc; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ về sinh kế, triển khai các mô hình có hiệu quả đã thực hiện thành công trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo huyện A Lưới cho biết, dự kiến trong năm 2023, A Lưới tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.000 người. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ lao động đi làm việc nước ngoài có thời hạn, làm việc tại các khu chế xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo lồng ghép và thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết đầu tư ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trồng cây mắc ca. Đặc biệt, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào tiêu chí bình xét thi đua đối với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội toàn huyện và người đứng đầu. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện, định kỳ sơ kết để rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo bền vững.

Cuối năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã chọn huyện A Lưới để tổ chức phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Cuộc vận động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, nhất là vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng họ, người có uy tín trong cộng đồng gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả ở A Lưới cũng đã và đang được triển khai như trồng dược liệu, nấm, sâm bố chính, chăn nuôi trang trại bò, lợn hữu cơ, phát triển du lịch bản địa…

Thừa Thiên Huế: Những “sinh kế” giúp huyện miền núi A Lưới giảm nghèo
Trồng cây dược liệu tại huyện miền núi A Lưới

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, lãnh đạo huyện A Lưới cùng với cả hệ thống chính trị cần có sự chủ động, quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, cần khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, kết nối thông tin, để hướng dẫn cho huyện A Lưới trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc các chương trình MTQG, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Năm 2023, huyện A Lưới đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% vào cuối năm (tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo xuống còn 3.691 hộ). Đến năm 2025, A Lưới phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%, quyết tâm thoát ra khỏi một trong 74 huyện nghèo nhất toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025.

 

 

Tác giả: Nguyễn Tuấn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan