• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam từ 30/4-1/5

Ngày 29/4, tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khởi công dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trên cương vị Thủ tướng kể từ khi nhậm chức (tháng 10/2021), đồng thời để đáp lễ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11/2021).

Đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản, tháng 11/2021 (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được thiết lập ngày 21/9/1973. Đến tháng 3/2014, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Hai nước cũng duy trì các cơ chế hợp tác quan trọng như: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao; Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng; Đối thoại chính sách biển Việt Nam - Nhật Bản cấp Bộ trưởng.

Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 42,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 20 tỷ USD (tăng 4,4%) và nhập siêu 2,52 tỷ USD.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng 10,1%. Các mặt hàng xuất khẩu chính là phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện…Việt Nam nhập khẩu của Nhật Bản đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021 với các nhóm hàng nhập khẩu chính như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu…

Với dân số gần 126 triệu người và thu nhập bình quân đầu người khoảng 43.000 USD/người/năm, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn. Trong bối cảnh xuất nhập khẩu bị tác động do dịch Covid-19, thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ. Hiện nay, hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt.

Về đầu tư, Nhật Bản là nước có nhiều dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/3/2022, Nhật Bản có 4.828 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64,410 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2021, Nhật Bản có 9 dự án cấp mới và 8 lượt góp vốn mua cổ phần, đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký 200 triệu USD.

Đối với viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yen cho Việt Nam lớn nhất. Tổng giá trị vay cho đến tháng 12/2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).

Bên cạnh đó, hai nước cũng tích cực hợp tác trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Trước đó, vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm tại Nhật Bản, hai bên đã đạt được những kết quả toàn diện, cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa chiến lược; đồng thời tạo ra những dấu ấn lớn giúp tăng cường, củng cố quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.

Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ tiếp xã giao Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật Trương Thị Mai; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự Lễ đón chính thức; hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và trao đổi các văn kiện hợp tác, trồng cây lưu niệm; dự Hội nghị hợp tác đổi mới công nghiệp và chuyển đổi số; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhằm đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đi vào chiều sâu, thúc đẩy triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính; tăng cường sự tin cậy chính trị Việt Nam-Nhật Bản và quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trên cơ sở "tình cảm, chân thành, tin cậy"; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan