Sau nhiều tranh cãi, EU ‘tạm chốt’ áp trần dầu Nga 60 USD/thùng
Sau nhiều lần thảo luận bất thành, các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 đã tạm thời nhất trí về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần phải được tất cả thành viên EU phê chuẩn bằng văn bản trước ngày 3/12.
"Mức giá trần đối với dầu thô của Nga được đặt ở mức 60 USD/thùng với điều kiện giữ mức giá này thấp hơn 5% so với giá thị trường, dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)", một nhà ngoại giao EU nói với Reuters.
Hãng tin Reuters đồng thời trích dẫn một tài liệu của EU cho thấy trần giá sẽ được xem xét vào giữa tháng 1 tới và cứ sau đó 2 tháng một lần, để đánh giá cách thức hoạt động của thỏa thuận và phản ứng với "những bất ổn" có thể xảy ra trên thị trường dầu mỏ.
Tài liệu cũng cho biết, "thời kỳ chuyển tiếp" kéo dài 45 ngày sẽ áp dụng cho các tàu chở dầu thô có nguồn gốc từ Nga đã được nạp trước ngày 5/12 và dỡ hàng tại điểm đến cuối cùng trước ngày 19/1/2023.
Thỏa thuận này vẫn cần phải được tất cả thành viên EU phê chuẩn bằng văn bản trước ngày 3/12. Dù vậy, tính đến tối 1/12, Ba Lan vẫn chưa xác nhận liệu họ có ủng hộ thỏa thuận này hay không.
Trước đó, G7 đã đề xuất ấn định mức áp trần giá dầu Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng và các nước EU đã tiến hành nhiều cuộc họp để đưa ra thống nhất về mức giá này nhưng vẫn khó khăn để tìm được tiếng nói chung.
Trong khi các quốc gia nhận được một phần thu nhập đáng kể từ hoạt động vận chuyển dầu trên biển như Hy Lạp, Cyprus và Malta cho rằng ngưỡng này quá thấp và có nguy cơ làm suy yếu thương mại dầu mỏ thế giới thì các nước như Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng mức 65-70 USD/thùng không làm tổn hại đến Moscow vì chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.
Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã yêu cầu một mức giá gây thêm áp lực lên doanh thu của Moscow, ở khoảng 30 USD/thùng.
Sau đó, các quốc gia EU đã thảo luận về việc giới hạn giá dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng, thấp hơn mức đề xuất trước đó.
Bình luận về ý tưởng của phương Tây nhằm hạn chế giá đối với các nguồn năng lượng của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Nga sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều này trái với lợi ích đất nước.
Phó Thủ tướng Alexander Novak cũng cho biết Nga sẽ chỉ làm việc theo điều kiện thị trường và sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần, không phải ở mức 60 USD/thùng hay bất kỳ giá nào khác.
Xem thêm >> Vừa coi Nga là 'nước tài trợ khủng bố', Nghị viện châu Âu lại muốn cấm sửa chữa Nord Stream