• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phường, xã ở TPHCM ngày đầu vận hành mô hình chính quyền 2 cấp

Người dân các phường, xã ở TPHCM làm thủ tục hành chính, được cán bộ hướng dẫn tận tình trong ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp.

Công chức Võ Thanh Phát tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sài Gòn hướng dẫn thủ tục cho người dân sáng 1/7. (Ảnh: Hà An)
Công chức Võ Thanh Phát tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sài Gòn hướng dẫn thủ tục cho người dân sáng 1/7. (Ảnh: Hà An)

Từ 8h ngày 1/7, nhiều người dân đã đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sài Gòn (số 45 - 47 Lê Duẩn) làm thủ tục hành chính trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Khu vực làm thủ tục được bố trí 11 bàn tiếp nhận hồ sơ các thủ tục về chứng thực, hộ tịch, trích lục tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn, bảo hiểm xã hội…

Phía trước bàn tiếp nhận có bảng thông tin họ tên cán bộ, số điện thoại di động để người dân liên lạc khi cần thiết.

Ông Trần Thanh, 55 tuổi, đến bàn làm thủ tục trích lục tình trạng hôn nhân cho 2 người thân được công chức Võ Thanh Phát tiếp nhận.

Ông Thanh chia sẻ, do người thân đã lớn tuổi nên nhờ ông làm trích lục hôn nhân, phục vụ làm các thủ tục khi tuổi già.

"Tôi biết hôm nay là ngày đầu tiên làm thủ tục hành chính khi bắt đầu vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Người dân chỉ mong 2 điều là cán bộ tiếp nhận hướng dẫn tận tình vì hồ sơ của người nhà tôi đã rất lâu, từ trước khi thành phố giải phóng. Thứ hai là thủ tục giải quyết nhanh để người dân không mất nhiều thời gian đi lại", ông Thanh nói.

Sau khi nhận hồ sơ, công chức Võ Thanh Phát hướng dẫn ông Thanh làm thủ tục đăng ký hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ công chức sẽ chủ động liên lạc trao đổi, hướng dẫn chụp ảnh giấy tờ, hoàn thiện hồ sơ nếu người dân gặp khó khăn.

6c206a9a8d003a5e6311.jpg

Phiếu ghi số thứ tự của ông Thanh khi làm thủ tục tại UBND phường Sài Gòn. (Ảnh: Hà An)

Ông Bùi Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sài Gòn cho biết, Đảng ủy - UBND phường Sài Gòn quán triệt lấy người dân và doanh nghiệp để phục vụ.

Các thủ tục hành chính sẽ thực hiện theo tinh thần đúng pháp luật, thời gian giải quyết nhanh chóng, hạn chế thấp nhất việc để người dân đi lại nhiều lần.

"Theo quy trình, Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tiếp nhận hồ sơ người dân, sau đó chuyển cho các phòng, ban xử lý. Trong quá trình xử lý nếu hồ sơ có thiếu sót thì cán bộ sẽ hướng dẫn bổ sung 1 lần trong khoảng thời gian quy định. Khi trả kết quả, cán bộ sẽ làm khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng", ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, các cán bộ công chức sẽ làm việc trong môi trường mới có nhiều điều mới mẻ, với nhiều thủ tục được chuyển về phường thực hiện khi bỏ cấp quận.

"Trong thời gian đầu, quá trình giải quyết sẽ không thể phục vụ hoàn hảo hết cho người dân và doanh nghiệp nhưng cán bộ sẽ nỗ lực hết sức có thể sẽ mang đến những gì tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Người dân có thể góp ý thông qua hình thức làm khảo sát, chúng tôi sẽ tiếp thu để cán bộ phục vụ tốt hơn", ông Giang nói.

Tại phường Tân Sơn Nhất, trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, không khí làm việc khẩn trương từ rất sớm. Cán bộ đã có mặt trước giờ hành chính để bố trí bàn hướng dẫn, nơi tiếp nhận hồ sơ tại các bộ phận địa chính xây dựng, văn hóa xã hội, trả kết quả, kinh tế tài chính.

Ông Lưu Thái Minh, người dân phường Tân Sơn Nhất, đến làm thủ tục hộ tịch từ sớm. Ông chia sẻ: "Tôi tưởng hôm nay sẽ rối, nhưng khi đến nơi, thấy mọi việc được triển khai rõ ràng. Cán bộ hỗ trợ cụ thể. Tôi hy vọng phường mới sẽ có thêm nhiều cách làm hay để người dân làm thủ tục thuận tiện hơn".

04d23faa4831ff6fa620.jpg

Người dân lấy số thứ tự làm thủ tục tại phường Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Phúc Uyên)

Ông Lâm Việt Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhất cho biết, phường đã được tập huấn và chạy thử các phần mềm trước đó nên cán bộ đã quen với quy trình, hệ thống mới. Dù thời gian chuẩn bị chỉ 2 ngày nhưng phường đã tranh thủ vệ sinh, bố trí lại trụ sở trong đêm để từ 7h30 sẵn sàng tiếp dân.

Dù vậy, ông Thảo thừa nhận cơ sở vật chất hiện tại vẫn cần bổ sung thêm trong thời gian tới. Trong ngày đầu, phường sẽ tiếp nhận và giải quyết nhiều thủ tục mới.

"Mô hình chính quyền 2 cấp sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Chúng tôi kỳ vọng có thể phục vụ sát dân, đáp ứng nhanh các nhu cầu hành chính", Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhất nói.

Ghi nhận tại xã Vĩnh Lộc trong ngày đầu vận hành mô hình mới, hoạt động tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa diễn ra đều đặn từ sáng. Người dân chủ yếu đến làm các thủ tục liên quan đến Căn cước công dân, hộ khẩu, xác nhận tạm trú, đăng ký kết hôn...

1ea19f1b1c80abdef291.jpg

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Vĩnh Lộc phục vụ người dân trong sáng 1/7. (Ảnh: Phúc Uyên)

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thông tin, nhập liệu lên hệ thống mới theo hướng dẫn đã được tập huấn từ trước. Hệ thống phần mềm tại xã đã được kiểm tra, vận hành ổn định, không xảy ra sự cố gián đoạn trong thời gian giao dịch.

Một cán bộ tại xã cho biết, ngoài việc hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tiếp, xã còn hỗ trợ tạo tài khoản dịch vụ công, hướng dẫn thao tác online để người dân sau này có thể tự tra cứu tiến độ và nộp hồ sơ không cần đến trực tiếp.

Sau sáp nhập, TPHCM có 168 đơn vị hành chính cấp phường, xã; trong đó xã Phú Giáo rộng nhất với diện tích hơn 192km2. Địa phương đông dân nhất là phường Dĩ An với dân số gần 228.000 người.

Trụ sở của các phường, xã được công bố để người dân, doanh nghiệp thuận tiện khi liên hệ từ 1/7 khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết