• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển nông nghiệp xanh giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường đang là hướng đi được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Tại Việt Nam, nhiều địa phương, nhiều mô hình cũng đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Góp phần phát triển kinh tế xanh

Nông nghiệp xanh có thể hiểu đơn giản là nền nông nghiệp phù hợp với môi trường sinh thái, không phát thải khí nhà kính. Quá trình sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Những năm qua, Việt Nam hướng tới nền nông nghiệp xanh, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp... đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Vụ Đông Xuân 2021-2022 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," kỹ thuật tưới nông-lộ-phơi...

Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển nông nghiệp xanh giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Nhiều địa phương, nhiều mô hình cũng đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường

Có thể thấy rằng, những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí methane sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.

Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá… không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh. Đây là một trong những mô hình điển hình trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ có sản phẩm đặc sản, giá trị cao, người sản xuất còn bán được cả giá trị nhân văn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong canh tác lúa. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị

Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực trồng trọt, trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… bằng cách xây dựng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau.

Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.

Điển hình như trong chăn nuôi bò của Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, để tạo nguồn thức ăn, đơn vị thu mua toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, rơm, đậu lạc… sản xuất thành thức ăn chăn nuôi; Tận thu các phế phẩm của ngành sản xuất gỗ như dăm, bào, mùn cưa… sản xuất thành đệm sinh học. Thức ăn của vi sinh vật trong đệm sinh học chính là chất thải của con bò.

Phát triển nông nghiệp xanh giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… bằng cách xây dựng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau

Việc chuyển hóa này sẽ giúp chuồng trại không có mùi hôi, luôn sạch sẽ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sẽ tái chế các đệm sinh học này. Phân bón đã là nguồn thu có ý nghĩa nhất định trong thu nhập của doanh nghiệp.

Cách làm trên được ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ. Điều đặc biệt là cách làm này đang được ông và Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cùng nông dân, trang trại cho đến các doanh nghiệp lớn lan tỏa để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn.

Theo ông Hà Văn Thắng, với định hướng chung là tái chế, tái sử dụng, mỗi sản phẩm tạo ra đều mang một giá trị và trả nó về vị trí, góp phần tạo nên nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Khi sản xuất tuần hoàn sẽ đáp ứng được 3 mục tiêu: hiệu quả - kinh tế - môi trường. Sản xuất tuần hoàn cần sự chia sẻ của cộng đồng nên nó còn giải quyết được bài toán an sinh xã hội.

Đến với sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ông Hà Văn Thắng cho rằng cần phải có sự vận dụng sáng tạo và lấy nền tảng là khoa học công nghệ, công nghệ số… Sản xuất tuần hoàn không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào, mà tùy thuộc vào điều kiện, năng lực mỗi tổ chức, cá nhân. Muốn sản xuất tuần hoàn được điều quan trọng là tư duy thiết kế mô hình sản xuất theo điều kiện, nguồn lực của mình.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang tích hợp “đa giá trị"…

Sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật