Nga kỳ vọng ‘bội thu’ nhờ xuất khẩu dầu khí, thu về 120 tỷ USD/năm
Bộ Tài chính Nga dự kiến doanh thu từ dầu khí tiếp tục là “trụ cột” ngân sách trong những năm tới, có thể lên tới hơn 121 tỷ USD trong năm 2025.
Theo các định hướng chính về Chính sách Ngân sách và Thuế quan cho năm 2024 và giai đoạn 2025-2026 của Nga, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga dự kiến tăng từ 8,86 nghìn tỷ rúp (91,6 tỷ USD) trong năm 2023 lên 11,5 nghìn tỷ rúp (118,9 tỷ USD) trong năm 2024, tức tăng gần 30%,
Trong năm 2025, doanh thu từ những mặt hàng năng lượng này dự kiến sẽ tăng lên tới 11,8 nghìn tỷ rúp (121,97 tỷ USD) và giảm nhẹ vào năm 2026 xuống 11,4 nghìn tỷ rúp (117,8 tỷ USD).
Theo kế hoạch, khi xem xét diễn biến tỷ giá hối đoái và sửa đổi luật thuế, tỷ lệ thu nhập từ dầu khí vào năm 2024 ước tính là 6,4% tổng GDP, tăng từ mức 5,3% vào năm 2023.
Đồng thời, Bộ Tài chính Nga dự đoán đến năm 2026, tỷ trọng thu nhập từ dầu khí trong GDP sẽ giảm xuống 5,6% do bình ổn giá và tăng tỷ trọng sản lượng dầu từ các mỏ được ưu đãi thuế.
Ở động thái liên quan, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov mới đây cho biết tỷ trọng của đồng rúp và đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong thanh toán thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã đạt 90%.
"Chúng tôi dự định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng rộng rãi hơn đồng rúp. Chúng tôi đang mở rộng mạng lưới tài khoản đại lý trực tiếp giữa các ngân hàng Nga và các quốc gia thân thiện bằng tiền tệ quốc gia, cũng như danh sách tiền tệ của các quốc gia thân thiện được giao dịch trên Sở giao dịch Moscow", ông Reshetnikov cho hay.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga lưu ý thêm rằng việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại là điều không thể tránh khỏi dựa trên quy mô của nền kinh tế Trung Quốc và khả năng chuyển đổi của đồng tiền này.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thời gian gần đây cũng đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường Nga sau khi bị chính phủ các nước này thúc ép rời đi.
"Chúng tôi biết rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn giữ các dự án của họ ở đất nước của chúng tôi và chúng tôi nhận thấy rằng họ quan tâm đến việc đó. Chúng tôi tôn trọng nỗ lực của họ và ghi nhận rằng họ phải rời đi do hoàn cảnh khách quan", ông Mishustin cho hay.
Thủ tướng Nga khẳng định thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng chủ nghĩa thực dụng sẽ chiếm ưu thế và họ sẽ quay trở lại”.
Ngoài ra, ông Mishustin cho rằng những công ty rời khỏi thị trường Nga đã tạo ra chỗ đứng cho các công ty và nhà cung cấp khác, cũng như cơ hội cho các thương hiệu ít được quảng bá hơn và các nhà đầu tư có động lực hơn để mở rộng hoặc bắt đầu các dự án kinh doanh mới tại Nga.
Xem thêm >> Ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc gặt hái thành tựu bất chấp loạt ‘đòn giáng’ từ Mỹ