• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%: Thách thức lớn nhưng cơ hội vẫn còn

Tăng trưởng GDP quý I/2023 của Việt Nam ước đạt 3,32%, thấp hơn 1,73 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, vẫn còn cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023.

Khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản duy trì vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế
Khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản duy trì vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế

Bà đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế của Việt Nam những tháng đầu năm 2023. Đâu là những điểm tích cực, thưa bà?

Tăng trưởng GDP quý I/2023 của Việt Nam ước đạt 3,32%, thấp hơn 1,73 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 với 5,05% và chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2023 chịu tác động của kinh tế thế giới với nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu tuy đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao, sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của nước ta. Các tổ chức quốc tế đều có dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn dự báo trước đó từ 0,5 - 1,2 điểm phần trăm. Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan trong năm 2023 lần lượt giảm 0,2, 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2022. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%: Thách thức lớn nhưng cơ hội vẫn còn
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, tôi vẫn thấy những điểm sáng nhất định trong “bức tranh” kinh tế Việt Nam, cho thấy khả năng hồi phục của nền kinh tế khá tích cực. Trong đó, điểm sáng đầu tiên là khu vực nông - lâm nghiệp – thủy sản vẫn duy trì vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế với mức tăng 2,52%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Với mức tăng này, ngành nông nghiệp không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, góp phần an ninh lương thực mà còn đóng góp ổn định vào tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng tưởng cao nhất trong 3 khu vực đạt 6,79%, đóng góp 3,26 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Nhiều hoạt động dịch vụ đã sôi động trở lại kể từ quý IV/2022 do chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, như: Hoạt động du lịch, vui chơi giải trí đã kích thích các ngành kinh tế khác phát triển. Ngoài ra, ngành xây dựng có mức tăng 1,95%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điều này cho thấy, sự chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng trưởng được đưa ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, song chúng ta vẫn thấy có những điểm sáng để hy vọng. Xin bà cho biết, đâu sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong những quý tiếp theo?

Theo tôi, động lực tăng trưởng đầu tiên cần nhắc đến trong những quý còn lại của năm 2023 đó là hoạt động giải ngân vốn đầu tư công. Hoạt động này được đẩy mạnh sẽ có tác dụng gia tăng nền tảng kết cấu, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đầu tư công cũng là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu của nền kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây sẽ làm tiêu dùng nội địa tăng, kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dần. Hoạt động tài chính, ngân hàng được dự báo sẽ đạt kết quả tăng trưởng tốt nếu tiếp tục duy trì tỷ giá bình ổn, đa dạng nguồn thu, đặc biệt là các nguồn thu từ hoạt động số hóa như ứng dụng thanh toán, ví điện tử…

Ngành du lịch được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, do đặc thù du lịch là ngành dịch vụ thị trường nên sẽ có tính chất lan tỏa đến nhiều ngành dịch vụ khác trong thời gian tới như: Vận tải, hoạt động ăn uống, khách sạn, nhà hàng, nghệ thuật vui chơi giải trí… Điều này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế.

Điểm sáng tiếp theo là ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi, gắn sản xuất với thị trường, chế biến và chuỗi giá trị gia tăng. Nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại giúp phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất. Đây sẽ là điểm sáng mới của ngành nông nghiệp nước ta trong năm 2023.

Thời gian tới, Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ giới hạn đi lại quốc tế sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn do dịch bệnh, kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và thủy sản của nước ta. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch xây dựng các chương trình chính sách thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, theo bà, cần tập trung vào những giải pháp nào?

Thực trạng diễn biến kinh tế quý I/2023 suy giảm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt hơn 1/2 so với kế hoạch và những khó khăn bất ổn hiện tại của kinh tế thế giới khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023 sẽ là một thách thức đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi cơ hội vẫn còn nếu chúng ta tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp sau đây:

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, kịp thời đưa ra cảnh báo để doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng được tiếp cận vốn; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống, cụ thể là thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La tinh...

Thứ tư, đẩy mạnh sức mua trong nước, nâng cao cầu nội địa. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng, kích thích tiêu dùng nội địa. Tập trung giải ngân, chi tiêu đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để kích thích sản xuất phát triển.

Thứ năm, đối với các ngành, lĩnh vực, cần linh hoạt kế hoạch, bám sát các mục tiêu theo quý, đề ra các giải pháp phù hợp tháo gỡ những khó khăn từ khâu chính sách đến hoạt động đầu tư để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

Xin cảm ơn bà!

 

Tác giả: Nguyễn Hòa (thực hiện)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan