• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mồi lửa sau sự cố tên lửa

Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết vào đêm 15/11 rằng “tên lửa do Nga sản xuất” đã rơi xuống làng Przewodów.

 
Minh họa/INT
Minh họa/INT
 

Một tên lửa được cho là do Nga sản xuất đã rơi xuống đất Ba Lan, sát biên giới với Ukraine, làm chết 2 người và đánh dấu lần đầu tiên một thành viên NATO bị trúng đạn trực tiếp trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Sự cố có thể trở thành mồi lửa trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết vào đêm 15/11 rằng “tên lửa do Nga sản xuất” đã rơi xuống làng Przewodów. Tuyên bố không nêu rõ loại tên lửa, ai đã bắn nó hoặc nó được bắn từ đâu. Còn Tổng thống Ukraine Zelensky nhanh chóng cáo buộc rằng Nga đã tấn công một thành viên NATO và kêu gọi khối này trả đũa.

Bộ Quốc phòng Nga gọi các báo cáo về việc tên lửa Nga rơi xuống Ba Lan là “hành động khiêu khích có chủ ý”, đồng thời bác bỏ thông tin rằng đã có các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu gần biên giới Ukraine - Ba Lan.

Phản ứng từ phương Tây khá thận trọng khi không có những phát biểu ồn ào lên án Nga ngay lập tức. Tất nhiên người ta nghi ngờ và muốn đổ lỗi cho Nga, song về lý trí tất cả đều hiểu rằng Nga không muốn gây hấn với một thành viên NATO bởi điều đó sẽ gây nên hậu quả không lường nổi.

Vài tiếng sau sự việc, phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Từ quỹ đạo đường đạn, không thể nào mà nó được bắn từ Nga”. Nhưng ông cũng nói rằng cuộc điều tra vẫn tiếp tục.

Trước đó, ông Biden đã mở ngay cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các nước đồng minh hàng đầu từ NATO và G7; ông cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ba Lan và Tổng Thư ký NATO và cho biết các bên nhất trí về phản ứng sau vụ tấn công, nhưng không nói rõ nguồn gốc tên lửa.

Mãi một ngày sau, đến tối 16/11, sự việc có vẻ rõ ràng hơn. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lên tiếng rằng “không có dấu hiệu” cho thấy tên lửa này là một “cuộc tấn công có chủ đích” vào nước này, không có bằng chứng rằng đó là tên lửa do Nga bắn, và đó có thể là một tai nạn từ hệ thống phòng không của Ukraine khi họ chặn một loạt tên lửa Nga đang bay tới.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết, điều tra ban đầu cho thấy, vụ tấn công tên lửa vào Ba Lan này “có khả năng” do một tên lửa phòng không Ukraine gây ra.

 

Sự việc đã phủ bóng lên các nỗ lực ngoại giao. Tại G20, đoạn về Ukraine trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo đã gây nhiều tranh cãi và được thảo luận hết sức căng thẳng - Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiết lộ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhiều người đồng cấp tại G20 nói rằng G20 cần phải đưa ra thông điệp rất rõ ràng để tránh leo thang tình hình.

Tuy nhiên, sự việc vẫn là lý do khiến phương Tây gia tăng sự thù địch với Nga, cả trên truyền thông lẫn thực tế. Tổng thống Ba Lan Duda cho biết, nước này đã tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng và cũng đã nói chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về việc tăng cường cho Căn cứ Không quân Hoa Kỳ ở Ba Lan.

Còn Tổng Thư ký NATO Stoltenberg thông tin thêm rằng, sự cố không phải là lỗi của Ukraine, mà là lỗi của Nga, Nga phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine. Ông khẳng định, một trong những ưu tiên của NATO là cung cấp thêm các hệ thống phòng không cho Kiev.

NATO vẫn cảnh giác và đoàn kết, sẵn sàng bảo vệ các thành viên của mình. Bộ Quốc phòng Đức cho biết, Đức sẽ đề xuất với Ba Lan việc tăng cường giám sát không gian với các cuộc tuần tra chiến đấu bằng máy bay Eurofighters của Đức, bắt đầu ngay từ 17/11.

Căng thẳng đang leo thang như lo ngại tại G20. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo: Vụ việc “chỉ chứng minh một điều: Tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga, phương Tây tiến gần hơn đến Thế chiến 3”.

Tương tự, Phó Đại diện của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky tuyên bố rằng có “một nỗ lực rõ ràng nhằm kích động một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, với tất cả những hậu quả sau đó cho toàn thế giới”.

Dường như thay vì tháo ngòi nổ, sự thù địch với Nga khiến sự cố tên lửa lại có thể trở thành mồi lửa, khiến những hy vọng về việc nối lại đàm phán Nga – Ukraine càng trở nên mờ nhạt, xa vời.

 
 
 
 
 

Nguồn:giaoducthoidai.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan