Kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7: Nén tâm nhang giữa lòng hồ Kẻ Gỗ
(VNF) - Tháng 7 này, một nén tâm nhang ấm áp đã được thắp lên giữa lòng hồ Kẻ Gỗ. Chiến tranh dẫu đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau vẫn còn đó trong lòng người ở lại.
Trận địa bi tráng
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
Đây là bài thơ “Lời người bên sông” của nhà thơ Lê Bá Dương. Bài thơ là tiếng lòng của tác giả khi đối diện với dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị) vào ngày 27/7/1987, trong nỗi nhớ khắc khoải những đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh. “Lời người bên sông” là tiếng lòng của một nhà thơ cựu binh, nhưng nhanh chóng nổi tiếng bởi vì rất nhiều người tìm thấy bóng dáng mình, hình ảnh bạn bè mình trong đó. Đất nước không chỉ một dòng sông Thạch Hãn, và rất nhiều những “tuổi hai mươi” đã mãi mãi không về, mãi mãi thành sóng nước.
Năm 2015, khi đến thăm hồ Kẻ Gỗ, chúng tôi đã lặng người đi khi được kể về trận chiến ở sân bay Libi, giờ đây đã nằm lại trong lòng hồ. Bất chợt nhớ về bài thơ “Lời người trên sông” và cảm thấy một sự trùng hợp. Nếu đổi chữ Thạch Hãn trong bài thơ thành chữ Kẻ Gỗ thì bài thơ vẫn thấm đẫm một nỗi niềm. Theo đúng nghĩa đen, đã có những “tuổi hai mươi” nằm lại trong lòng hồ Kẻ Gỗ, khi chiến trường xưa đã chìm xuống lòng hồ, mang theo ký ức đau thương về một trận chiến.
Lần giở lịch sử, trong thời gian từ đầu năm 1971 đến đầu năm 1973, quân đội Mỹ - Ngụy đã tiến hành chiến dịch “Lam Sơn 719” với mục tiêu đánh thẳng vào căn cứ hậu cần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt tại thị trấn Sepon trên đất Lào. Trong khi đó, quân đội ta đã liên tục chuyển quân, đạn dược, lương thực, thuốc men vào Nam. Và để phục vụ cho công việc này, một kế hoạch bí mật bao gồm xây dựng tuyến đường 21, 22 và sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay đã được tiến hành, trở thành một huyết mạch giao thông mới chi viện cho chiến trường miền Nam.
Dấu vết đường băng sân bay Libi còn lại trong lòng hồ Kẻ Gỗ. Xung quanh rất nhiều hố bom vẫn còn nguyên vẹn.
Không may, một thảm kịch chiến tranh đã xảy ra vào đêm ngày 7/1/1973, khi không quân Mỹ tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi. Sân bay Libi, vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực, chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị đánh phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom đạn rải xuống khu vực này. Theo hồi ức của một số nhân chứng, thương vong của phía miền Bắc trong cuộc tập kích này là “rất lớn”.
Và rồi, khi hòa bình lập lại, với mong muốn xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ nhanh nhất có thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Nhà nước đã quyết định triển khai công trình này vào năm 1976. Khi công trình hoàn thành và bắt đầu tích nước, mặt trận xưa cũng dần chìm vào lòng hồ. Rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ và điều này đã trở thành một “dấu lặng” trong lòng những người ở lại.
Tâm nhang giữa lòng hồ
Năm 2011, đoàn công tác của Công ty TNHH Lạc An (TP. HCM) đã quyên góp xây nên ngôi miếu nhỏ tại khu vực sân bay Libi. Đến năm 2022, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân xã Cẩm Mỹ, thân nhân các anh hùng liệt sỹ, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã đứng ra vận động tài chính theo hình thức xã hội hóa để xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ.
Công trình được xây dựng để khắc ghi tên tuổi, tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Khi kế hoạch này được triển khai, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã nhận được sự quan tâm về tinh thần và vật chất của rất nhiều đơn vị, cá nhân trên toàn quốc. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi phải quyết tâm vượt khó, nỗ lực để hoàn thành công trình.
Ngày 18/7/2022, đền thờ đã chính thức được khởi công xây dựng và đến ngày 26/12/2022, Lễ tưởng niệm 50 năm trận chiến Libi đã được tổ chức và ngày 7/1/2023, lễ rước anh linh anh hùng liệt sỹ vào đền thờ chính đã được tiến hành với sự tham gia của lãnh đạo Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Cẩm Xuyên và nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan. Trong suốt quá trình xây dựng đền thờ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở ban ngành, lãnh đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quân đội đã luôn quan tâm, động viên Ban quản lý dự án với tâm nguyện dự án sớm hoàn thành theo kế hoạch.
Một trong những khó khăn lớn nhất là do công trình được triển khai trong khu vực lòng hồ, không có đường giao thông, mọi hoạt động vận chuyển đều phải thực hiện bằng thuyền. Thời tiết cũng không thuận lợi, mưa nắng thất thường khiến cho công việc bị gián đoạn nhiều.
Tuy nhiên, để công trình thực sự trở thành nén tâm nhang thành kính dâng lên các anh hùng liệt sỹ, ngay từ những ngày đầu, Ban quản lý dự án đã nhất quán phương án triển khai công trình, thống nhất về quy hoạch, kiến trúc tổng thể công trình để triển khai xây dựng.
Vận chuyển lư hương nặng 2,5 tấn (do một công ty truyền thông ở Hà Nội cung tiến) và các hạng mục đá là một trong những công việc khó khăn nhất do không có đường bộ vào khu vực xây đền.
Đối với các hạng mục liên quan trực tiếp đến chất lượng và thẩm mỹ của công trình, Ban quản lý dự án đã chủ động tìm kiếm các nguồn cung cấp vật liệu, sản phẩm với chất lượng tốt nhất từ các làng nghề chuyên về vấn đề kiến trúc tâm linh. Đồ gỗ từ La Xuyên (Nam Định), đồ đồng từ Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh), đồ đá từ Ninh Vân (Ninh Bình) và Thanh Hóa đã được lựa chọn để tiến hành hoàn thiện đền thờ.
Hiện nay, đền thờ đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng chính. Ban quản lý dự án đang nỗ lực để có thể hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 8/2023, để có thể chính thức khánh thành nhân dịp 2/9 sắp tới, cũng là dịp rằm tháng 7 âm lịch. Công việc vận động tài chính cho dự án vẫn đang được tiếp tục và mới đây nhất, Bộ Quốc phòng cũng đã có quyết định thông qua UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ một nguồn kinh phí cho dự án này.
Toàn cảnh đền thờ nhìn từ trên cao
Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện phần xây dựng, Ban quản lý dự án sẽ bắt tay vào thực hiện các hạng mục còn lại, trong đó quan trọng nhất là các hạng mục “phi vật thể”, là phần hồn của dự án. Đó chính là hồ sơ toàn cảnh của mặt trận Kẻ Gỗ - sân bay Libi năm xưa, sẽ được tái hiện qua sách, website, phim tài liệu… Hồ sơ về từng cá nhân liệt sỹ cũng sẽ được chi tiết hóa để đảm bảo tính tôn nghiêm trong hoạt động thờ cúng lâu dài.
Một điểm đáng chú ý là do được xây dựng trong lòng hồ, hài hòa khiêm nhường giữa các tán cây bản địa nên trong tương lai, đây sẽ là một điểm đến tâm linh – sinh thái đặc biệt của Hà Tĩnh. Mong muốn của chúng tôi là bên cạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ngôi đền cũng sẽ gửi đến tương lai một thông điệp về khát vọng hòa bình và phát triển bền vững cho đất nước.
Để mãi ấm lòng người nằm xuống...
Ngày 25/7, đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã đến dâng hương tại đền thờ anh hùng liệt sỹ tại lòng hồ Kẻ Gỗ.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành, kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ để hoàn thiện công trình nhằm tri ân các liệt sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh tại mặt trận sân bay dã chiến Libi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng thỉnh chuông tại đền thờ.
Bí thư Hoàng Trung Dũng mong muốn Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ để hoàn thiện công trình, nhất là hoàn thiện các hạng mục phi vật thể nhằm xây dựng nơi đây trở thành một khu tâm linh ý nghĩa, là điểm đến tâm linh - sinh thái đặc biệt của Hà Tĩnh. Đây là lần thứ 3 Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đến dâng hương và kiểm tra tiến độ công trình, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ cũng như sự quan tâm đặc biệt đối với dự án.
Tổng biên tập Hoàng Anh Minh trao đổi cùng Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và nhà văn Đức Ban về các kế hoạch công việc tiếp theo.
Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cho biết, ông đã trao đổi và thống nhất với nhà văn Đức Ban, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Hà Tĩnh, về việc biên soạn một cuốn sách dạng dư địa chí về hồ Kẻ Gỗ, trong đó sẽ đề cập đến lịch sử mặt trận sân bay Libi cũng như lịch sử xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Đồng thời, công tác tìm kiếm, bảo tồn các tư liệu, hiện vật liên quan đến mặt trận sân bay Libi và các tuyến đường chiến lược 21, 22 cũng sẽ được tiến hành trong thời gian tới.
Lời kêu gọi từ Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance
Trong thời gian qua, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ về tinh thần và vật chất cho dự án. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân gần xa.
Đặc biệt, trong khuôn viên đền thờ, dự kiến sẽ trồng 100 cây xanh các loại để đảm bảo cảnh quan chung. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân góp cây xanh cho dự án. Hiện đã có 04 cây hoa đại được một doanh nghiệp và một cá nhân đóng góp, trồng trong khuôn viên chính điện.
Bằng việc đóng góp cây xanh, chúng tôi tin tưởng rằng quý anh chị sẽ cùng góp phần xoa dịu nỗi đau trên chiến địa bi tráng năm xưa và gửi về tương lai một khát vọng hòa bình và phát triển bền vững.