• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hợp lý?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị thời gian áp dụng Nghị quyết số 42 của Quốc hội kéo dài đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8 năm nay.

NHNN vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42). Theo đó, thời hạn kéo dài Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8 năm nayTrong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42, Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

 Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, NHNN cho biết xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực. Khách hàng tự nguyện, chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng.

Báo cáo của các TCTD nêu rõ lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỉ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng... Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD. Nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11 năm ngoái tăng cao ở mức trên 2%.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV lo ngại, nợ xấu trong năm 2022 nhiều khả năng ở mức cao nhất trong vòng 4 năm gần nhất, qua đó phá vỡ thành quả tái cơ cấu nợ giai đoạn 2016 – 2020 của TCTD. Theo đó, nợ xấu nội bảng được dự kiến trong khoảng 2,3-2,5%, nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022. Con số này thậm chí có thể ở  cao hơn 7% từ năm 2024.

Lý giải, vấn đề này, ông Lực cho biết khung pháp lý về xử lý nợ xấu có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho toàn ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư số 14/2021 của NHNN về cơ cấu nợ hết hiệu lực vào 30/6/2022. Ngoài ra, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ hết hiệu lực từ 15/8/2022. Do vậy, việc thiếu hụt cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa. “Tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng, quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung".

Tuy nhiên, theo Công ty quản lý nợ và tài sản của các TCTD, các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu trong năm 2022 ở mức cao là 7,42%. Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát thì nợ xấu tiếp tục tăng cao, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn nợ xấu có thể cao hơn mức 7,5%. Như vậy, nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại do dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, cho biết để thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng… Do vậy, cần kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến ngày 15/08/2025.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật