• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

05 nhóm chính sách đặc biệt tạo "cú hích" phát triển kinh tế tư nhân

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thể chế hóa theo 05 nhóm chính sách lớn. Các chính sách đặc biệt này nhằm tạo “cú hích" phát triển kinh tế tư nhân.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại phiên họp của Quốc hội sáng 15/5.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại phiên họp của Quốc hội sáng 15/5.

Rút gọn thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh

Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại phiên họp sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Nhằm hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết và cấp bách.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này.

Dự thảo thể chế hóa theo 05 nhóm chính sách lớn: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, dự thảo Nghị quyết quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh; qiải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.

Dự thảo cũng quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh chính sách như: Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.

Ưu đãi thuế hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, dự thảo quy định hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn… Đồng thời, mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Trong hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, dự thảo quy định hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động này. Nhà nước hỗ trợ xây dựng, hoặc thuê, mua các nền tảng dùng chung; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Dự thảo cũng quy định 02 chính sách cho nhóm doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong, bao gồm: Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, quan trọng quốc gia; Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.

Theo Ủy ban, nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; cải cách thủ tục hành chính. Dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 68-NQ/TW, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, ổn định lâu dài của hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết khác cùng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết này, sớm có văn bản chính thức gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ cần chỉ đạo rà soát các nội dung khác có nội hàm, mục tiêu rõ ràng có thể cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2025 để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất xây dựng pháp luật để kịp thời bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 10 và định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.


Tác giả: Trần Huyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết