Kẻ sát nhân hàng loạt sở hữu IQ của thiên tài
Sở hữu IQ 145, nhưng Edmund Kemper lại sử dụng khả năng thiên phú vào việc dụ dỗ nạn nhân, giết người và che giấu hành vi phạm tội.
Phiên tòa xét xử Edmund vào tháng 5/1973. |
Chỉ trong 2 năm, hắn ta đã sát hại 8 nạn nhân, trong đó có nhiều nữ sinh trẻ tuổi.
Tuổi thơ khó nhọc
Khi còn là một cậu bé, Edmund Kemper đã giết động vật, chặt đầu búp bê của các chị và bày ra những trò chơi nguy hiểm. Ở tuổi 15, hắn ta thậm chí đã sát hại ông bà mình.
Nhưng khi Edmund Kemper thú nhận đã sát hại 6 cô gái trẻ cùng với mẹ của hắn ta và bạn của bà, cảnh sát đã không thể tin nổi, cho đó là chuyện bịa đặt, trò vui đùa. Bởi lẽ trong mắt mọi người, Edmund, sở hữu IQ 145, là người hiền lành và thông minh.
Thực tế, Edmund lại là tên sát nhân xảo quyệt. Chỉ số IQ cao chỉ giúp hắn ta dụ dỗ các nạn nhân rồi trốn thoát khỏi hiện trường các vụ án mà không bị phát hiện.
Sinh ngày 18/12/1948 tại thành phố Burbank, bang California, Edmund Kemper đã trải qua tuổi thơ nhiều biến động. Mẹ hắn ta, Clarnell Elizabeth Kemper, là người nghiện rượu nặng và mắc chứng rối nhân cách ranh giới (rối loạn nhân cách tâm trạng không ổn định).
Còn cha của Edmund là cựu chiến binh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau khi kết thúc chiến tranh, ông trở về lấy mẹ của Edmund và làm nghề sửa điện. Do công việc không kiếm được nhiều tiền, cha của Edmund thường xuyên bị vợ chỉ trích, chì chiết. Ông từng phải thốt lên: “Chiến đấu trong chiến tranh còn không kinh khủng bằng việc chung sống với Clarnell”.
Edmund Kemper hồi trẻ. |
Trong môi trường gia đình nhiều biến động, từ rất sớm, Edmund đã nảy sinh những hành vi lệch lạc như chặt đầu búp bê của các chị gái, bày các trò chơi mô phỏng lại những hành động tra tấn nguy hiểm như ghế điện, buồng hơi ngạt... Những trò chơi bạo lực không thể thỏa mãn Edmund nên dần dần, hắn chuyển sang giết hại động vật. Sau khi cha mẹ ly hôn vào năm 1957, Edmund đã giết hai con mèo trong nhà và chặt đầu chúng rồi phân thây ra chơi đùa.
Ở với mẹ cùng các chị, chuỗi bi kịch của Edmund cũng bắt đầu từ đây. Không thể mắng mỏ chồng, bà Clarnell chuyển cơn giận sang cho Edmund. Bà bắt con trai ngủ dưới tầng hầm với lý do Edmund có thể làm các chị bị thương. Clarnell cũng thường xuyên mắng mỏ, xúc phạm Edmund và chì chiết rằng “sẽ không người phụ nữ nào yêu thương” hắn ta.
Không chỉ bị mẹ ruột ghét bỏ, Edmund cũng bị bạn trong lớp tẩy chay, trêu chọc vì sở hữu ngoại hình to lớn hơn trẻ đồng trang lứa và những suy nghĩ bất thường. Những điều này đã góp phần làm tăng khuynh hướng bạo lực, ý muốn giết người của Edmund.
Đến năm 14 tuổi, Edmund bỏ trốn khỏi nhà mẹ và đến sống với bố. Nhưng thời điểm đó, cha hắn ta đã tái hôn và gửi con trai về ở cùng ông bà nội. Sự hận thù dành cho cha mẹ dần nhen nhóm trong lòng Edmund khi hắn chứng kiến gia đình riêng của cha hạnh phúc còn mẹ luôn miệt thị, xa lánh; ông bà nội quản lý chặt chẽ.
Ngày 27/8/1964, giữa Edmund và bà nội xảy ra tranh cãi. Trong lúc tức giận, Edmund đã dùng khẩu súng trường cỡ nòng 22 bắn vào đầu và lưng của bà mình. Sau đó, khi ông nội đi siêu thị về, hắn cũng dùng khẩu súng này để sát hại bằng cách thức tương tự. Hai người bị giết bởi Edmund khi hắn mới 15 tuổi.
Sau này, hắn ta thừa nhận rằng đã ra tay với bà nội vì “muốn xem cảm giác sẽ ra sao khi bà bị giết”. Nhưng hắn ta chủ tâm giết ông nội để ông không phát hiện vợ mình bị sát hại. Gây án xong, Edmund gọi điện cho mẹ và kể lại mọi chuyện đã xảy ra. Bà khuyên Edmund ra đầu thú và gọi báo cảnh sát. Khi cảnh sát đến nơi, tên sát nhân trẻ ngồi đợi ngoài hiên, dáng vẻ bình tĩnh và sẵn sàng bị bắt giữ.
Tòa án bang California xử Edmund theo khung hình phạt cao nhất dành cho trẻ vị thành niên là 5 năm tù, không ân xá trước thời hạn. Hắn ta được đưa đến kiểm tra tại Bệnh viện Atascadero State và được phát hiện có dấu hiệu hoang tưởng, tâm thần phân liệt. Nhưng IQ của Edmund là 145, thuộc hàng rất cao, tương đương với chỉ số IQ của các thiên tài.
Trong thời gian bị quản thúc, Edmund đã đóng vai một tù nhân gương mẫu, cầu thị. Hắn ta sử dụng trí thông minh để hỗ trợ các bác sĩ làm việc với tù nhân mắc bệnh và được hướng dẫn cách xét nghiệm bệnh lí của người mắc bệnh tâm thần. Còn các tù nhân dạy hắn cách che giấu hành vi phạm tội.
Giết người đi nhờ xe
Những nạn nhân của Edmund. |
Ngày 18/12/1969, Edmund được tha bổng khi vừa tròn 21 tuổi. Sau đó, hắn trở về sống cùng người mẹ nghiện rượu tại thành phố Santa Cruz, bang California và thường xuyên bị đánh đập, hành hạ. Các bác sĩ tâm thần đã nói Kemper không nên quay về sống với mẹ, bởi thái độ thù ghét vốn có với mẹ của hắn có thể khiến tên sát nhân trở nên bạo lực hơn.
Ban đầu, Edmund cũng mong muốn hoàn lương và kiếm một công việc phổ thông. Sau một thời gian ở cùng mẹ, hắn chuyển ra ở riêng và mua một chiếc xe để tiện đi lại và thường cho các cô gái quá giang.
Tên sát nhân thừa nhận trong khoảng 100 cô gái đầu tiên, hắn chỉ muốn giúp đỡ họ và xây dựng những tình bạn đẹp. Tuy nhiên, ý nghĩ giết người đã thôi thúc hắn hành động. Edmund bắt đầu trang bị dao, còng tay, súng... trong xe.
Ngoại hình to cao nhưng cử chỉ nhẹ nhàng, khuôn mặt nở nụ cười mỉm cùng lối nói chuyện lịch sự, tự nhiên đã giúp hắn “ghi điểm” trong mắt các cô gái và chiếm được sự tin tưởng. Từ đó, các cô gái cảm thấy an toàn khi đi nhờ xe của hắn.
Edmund cũng rất khôn ngoan. Khi có người hỏi đi nhờ, hắn ta không lập tức nhiệt tình giúp đỡ mà giả vờ xem đồng hồ, trưng ra vẻ mặt lưỡng lự hoặc khó chịu như thể đang quyết định có thể cho người khác đi nhờ hay không.
Vụ án đầu tiên Edmund thực hiện sau khi ra tù là vào ngày 7/5/1972. Hắn ta cho hai nữ sinh Mary Ann Pesce, 18 tuổi, và Anita Luchessa, 18 tuổi, đi nhờ đến thành phố Berkeley, bang California.
Đầu tiên, Edmund đưa hai cô gái trẻ đến rừng cây hẻo lánh với ý định cưỡng hiếp họ. Nhưng do còn lúng túng, hắn ta đã đâm và bóp cổ nạn nhân cho đến chết trước khi kịp hành động. Sau đó, hắn ta bỏ hai thi thể vào cốp xe và lái về nhà.
Trên đường về, Edmund bị một sĩ quan cảnh sát chặn lại vì đèn hậu xe bị hỏng. Dù vậy, hắn vẫn giữ thái độ bình tĩnh nên không bị phát hiện. Sau đó, hắn đưa thi thể các nạn nhân về nhà, chụp ảnh rồi cưỡng hiếp họ, sau đó phân thi thể thành nhiều mảnh. Các bộ phận cơ thể được giấu trên núi Loma Prieta.
4 tháng sau, Edmund tiếp tục hành vi giết người. Nạn nhân là nữ sinh Aiko Koo, 15 tuổi, bị lỡ chuyến xe bus đến lớp học nhảy nên quyết định đi nhờ xe của Edmund. Khi lái xe đến một khu vực hẻo lánh, Edmund đã rời khỏi xe, vòng ra sau lấy súng từ cốp nhưng vô tình làm xe khóa cửa và bị nhốt ở ngoài.
Dù có những dấu hiệu cho thấy Edmund là người nguy hiểm, Aiko vẫn để Edmund thuyết phục và mở cửa xe cho hắn. Sau đó, hắn ta bóp cổ Aiko và mang thi thể về nhà, lặp lại các bước như những nạn nhân trước đó.
Qua vụ án của Aiko Koo, các chuyên gia cho thấy khả năng điều khiển, thao túng sự tin tưởng của người khác của Edmund đã đạt đến mức hoàn hảo.
Khi thông tin về các vụ mất tích và giết hại nạn nhân là các cô gái trẻ ngày một lan rộng, người dân bắt đầu hoảng sợ và đề cao cảnh giác. Cảnh sát được tăng cường tuần tra. Trong bối cảnh ấy, Edmund thường lui tới quán bar Jury Room, nơi yêu thích của các cảnh sát địa phương, chỉ để tăng cảm giác hồi hộp sau mỗi lần giết người.
Ở Jury Room, Edmund kết bạn với cảnh sát địa phương và thường được gọi là “Big Ed”. Trong khi tên sát nhân trong vụ án giết hại các nữ sinh địa phương được gọi là “Co-Ed”, nghĩa là kẻ giết hại nữ sinh.
Cơn cuồng nộ chấm dứt
Edmund Kemper bị bắt vào năm 1973. |
Đến năm 1973, Edmund trở về sống với mẹ vì không thể tự chủ tài chính. Các cuộc cãi vã tiếp tục nổ ra và thúc đẩy các hành vi giết người của Edmund. Hắn ta tiếp tục sát hại 3 nạn nhân là các nữ sinh đại học sống ở gần đó. Hắn ta thậm chí chôn đầu của một nạn nhân trong vườn của mẹ theo hướng quay mặt về phòng ngủ của bà vì muốn mẹ “bị mọi người nhìn vào”.
Dần dần, Edmund nghĩ đến việc giết hại bà Clarnell. Sau một cuộc cãi vã đỉnh điểm vào ngày 20/4/1973, hắn ta đã sát hại mẹ mình khi bà đang ngủ và chặt đầu Clarnell. Sau đó, hắn ta đã mời người bạn thân nhất của mẹ mình, Sally Hallett, đến nhà chơi rồi sát hại và trộm xe của bà.
Edmund lái xe bỏ trốn đến bang Colorado. Hắn ta tin chắc vụ án sẽ xuất hiện trên bản tin và mình sẽ bị cảnh sát truy nã. Nhưng sau một thời gian dài, Edmund vẫn không thấy bất kỳ động tĩnh gì. Hắn ta quyết định gọi điện tại một bốt điện thoại để đầu thú.
Ban đầu, cảnh sát không tin rằng “Big Ed” là “Co-Ed” nhưng Edmund có thể mô tả chi tiết tình tiết các vụ án mà chỉ kẻ sát nhân mới nắm rõ. Khi được hỏi lý do tại sao ngừng giết người và đầu thú, Edmund cho biết: “Tôi giết người không phải vì mục đích vật chất hay tình cảm nào. Giờ đây tôi thấy kiệt sức và chỉ muốn kết thúc mọi chuyện”.
Ngày 7/5/1973, Edmund bị đưa ra xét xử với tám tội giết người cấp độ một. Hắn ta tự xin án tử hình, thậm chí còn xin bị tra tấn nhưng thay vào đó, Edmund bị kết án 7 năm tù cho mỗi tội giết người.
Hiện, Edmund, 74 tuổi, đang bị giam tại Cơ sở Y tế California cùng nhiều tên tội phạm khét tiếng khác. Những năm đầu ngồi tù, Edmund vẫn thường tham gia phỏng vấn với nhiều kênh truyền thông và cơ quan điều tra và giúp đỡ bác sĩ làm việc với tội phạm tâm thần.