IEA: Thị trường năng lượng châu Âu đối mặt 3 mối nguy tiềm ẩn trong năm nay
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận xét rằng châu Âu có thể đã làm rất tốt trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và giảm rủi ro khủng hoảng năng lượng, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định: “Châu Âu đã có thể chuyển đổi thị trường năng lượng của mình, giảm tỷ lệ khí đốt của Nga xuống dưới 4% và nền kinh tế của họ vẫn không trải qua suy thoái. Lượng khí thải của châu Âu đã giảm… và lượng khí dự trữ ở mức rất tốt".
Người đứng đầu IEA cho biết: “Các nước châu Âu đã làm rất tốt vào mùa đông năm ngoái”, đồng thời nhấn mạnh rằng khu vực này đã thành công trong việc duy trì hoạt động hiệu quả và ngăn chặn khủng hoảng mùa đông, một phần nhờ vào thời tiết mùa đông ôn hòa hơn dự kiến.
Tuy nhiên, ông Birol cũng cảnh báo rằng thị trường năng lượng của khu vực vẫn còn 3 nguy cơ lớn cần vượt qua trong năm nay.
1. Nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc
Theo ông Birol, năm ngoái, nguồn cung năng lượng của thế giới dồi dào hơn vì Trung Quốc thời điểm đó vẫn đang bị phong tỏa, dẫn tới việc họ mua ít dầu và khí đốt hơn do hoạt động kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, năm nay Bắc Kinh đã mở cửa trở lại, báo hiệu nhu cầu năng lượng tăng cao và điều này có thể khiến châu Âu gặp khó khăn hơn trong việc mua năng lượng tích trữ.
Trước đó, IEA đã dự báo rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, và việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến nhu cầu của nước này chiếm gần 60% lượng nhu cầu gia tăng, tương đương khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Ông Birol cho biết nhu cầu LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) từ Trung Quốc dự kiến cũng sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng nhập khẩu khí đốt vào nước này là “yếu tố quyết định chính” nhu cầu đối với thị trường khí đốt tự nhiên.
Tuy nhiên, Giám đốc IEA cho rằng vẫn có tia hy vọng cho châu Âu rằng giá năng lượng năm nay có thể thấp hơn mong đợi và hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ nhập khẩu năng lượng với khối lượng đột phá.
2. Nguy cơ Mỹ vỡ nợ
Những người tham gia thị trường năng lượng toàn cầu cũng đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán khó khăn giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa về trần nợ công của Mỹ. Nếu không có thỏa thuận, Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ vào đầu tháng 6 mặc dù điều này được coi là khó xảy ra.
Theo ông Birol, việc Mỹ vỡ nợ sẽ khiến nhu cầu và giá dầu giảm, nhưng cũng đồng ý rằng một kịch bản như vậy rất khó xảy ra.
“Tôi sẽ tránh cung cấp cho bạn một con số chính xác, nhưng chúng ta có thể dự đoán giá dầu sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta thấy một vụ vỡ nợ như vậy. Vấn đề này ở Mỹ sẽ được giải quyết và tôi không thấy rủi ro lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nhưng tất nhiên, thị trường dầu mỏ luôn tiềm ẩn rủi ro”, ông Birol nói thêm.
Giá dầu đã tăng trở lại từ cuối tuần trước và tính tới ngày 24/5 vẫn đang duy trì đà tăng. Dầu thô WTI đã tăng lên 74 USD/thùng, sau khi tăng gần 2% trong hai ngày trước đó.
3. Sự phụ thuộc vào Nga
Một thách thức lớn khác đối với các thị trường năng lượng của châu Âu là sự phụ thuộc của họ vào khí đốt của Nga vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn và triển vọng nguồn cung không chắc chắn.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã bị đẩy vào cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm ngoái khi nhập khẩu khí đốt của Nga bị cắt giảm nghiêm trọng.
Xuất khẩu khí đốt từ gã khổng lồ năng lượng nhà nước Nga Gazprom sang Thụy Sĩ và EU đã giảm 55% vào năm 2022, theo dữ liệu của Gazprom. Do đó, ông Birol lưu ý rằng nếu tiếp tục giảm nhập khẩu khí đốt “vì lý do chính trị”, thì châu Âu có thể lại phải đối mặt với “một số thách thức” trong mùa đông tới.